Sáng 11/12 tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hội nghị nhằm nhận diện ưu nhược điểm trong xây dựng hình ảnh người Hà Nội, thảo luận các tiêu chí thực tiễn, đề xuất giải pháp triển khai và xây dựng cơ sở khoa học để tham mưu chính sách cho thành phố.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: “Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước. Việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội và phát triển bền vững”.
Chia sẻ về hai phương án xây dựng chuẩn mực người Hà Nội “Hào hoa - Thanh lịch - Nghĩa tình - Văn minh” trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, bà Trần Thị Vân Anh cho biết với phương án thứ nhất, các chuẩn mực không chỉ kết nối nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế mà còn khẳng định vị thế của Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị và hội nhập quốc tế của cả nước. Những chuẩn mực này tạo nên hình ảnh con người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhưng luôn sáng tạo và hiện đại, góp phần định hình “sức mạnh mềm” của Thủ đô Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
|
Hội nghị tọa đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh. (Ảnh: kinhtedothi)
|
Phương án 2 sẽ nhấn mạnh vai trò đại diện của Thủ đô qua các hành động, giá trị và tinh thần của con người Hà Nội, đồng thời đặt họ vào vị trí dẫn dắt trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng nhấn mạnh, văn hóa luôn là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng, giữ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của đất nước. Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính mà còn là nơi hội tụ, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng hình ảnh con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, sáng tạo và hiện đại không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là động lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cũng cho biết, Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú với hơn 5.922 di tích lịch sử, hơn 1.200 lễ hội truyền thống cùng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Tuy nhiên, để văn hóa Hà Nội giữ vững vai trò tiên phong và là nền tảng cho sự phát triển, đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo trong cách khai thác và phát huy các giá trị này.
Hội nghị tọa đàm nhận được 46 bài viết từ các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học... Tại sự kiện, các đại biểu đã nhận diện rõ những ưu điểm và hạn chế trong việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội hiện nay; thảo luận và thống nhất các chuẩn mực và tiêu chí mang tính thực tiễn cao, có thể đo lường, đánh giá được và phù hợp với vị thế của Thủ đô; đề xuất cơ chế và giải pháp để triển khai các chuẩn mực và tiêu chí một cách hiệu quả từ cấp thành phố đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư Thủ đô; xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn giúp Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu cho thành phố tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Để tuyên truyền hiệu quả hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình, đồng thời đưa tiêu chí chuẩn mực con người Hà Nội đi vào đời sống thực tiễn, các đại biểu cho rằng cần vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, tránh tình trạng hình thức hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cộng đồng nhận thức rõ vai trò của việc xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Đồng thời, chú trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời các gia đình văn hóa tiêu biểu, khuyến khích nhân rộng các mô hình gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế bền vững…
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục về các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu thực hiện tốt, các giá trị văn hóa này sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững theo thời gian; từ đó, góp phần xây dựng một nền văn hóa vững mạnh cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung./.