Triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình

Thứ năm, 04/05/2017 17:39
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình, những tác phẩm còn lại của ông được gia đình ông giới thiệu tại nhà triển lãm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội), từ ngày 4 - 6/5.


Họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình sinh năm 1917 tại phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang). Ông quê gốc ở thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ). Những năm cuối thế kỷ XIX, cha mẹ ông lên Bắc Giang lập nghiệp, sau đó sinh ra ông.

Năm 1937, Tạ Thúc Bình tốt nghiệp Thành chung. Đi làm được ba năm, năm 1940 ông quyết định thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và vào học khóa 15 cùng lớp với các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm… Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, từ Sơn Tây ông trở về Bắc Giang và hòa vào các hoạt động nơi quê hương.

Công chúng xem tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình tại Triển lãm.

Cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, Tạ Thúc Bình thành lập xưởng tranh tuyên truyền, vừa vẽ, khắc, in tranh. Hàng trăm bức tranh có nội dung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm từ Bắc Giang chuyển về các tỉnh, sau đó được khắc, in lại để đưa về tận làng xã. Tại triển lãm hội họa năm 1951 do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chào mừng kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II thành công, trong hơn 300 tác phẩm của nhiều tác giả, Ban giám khảo đã thống nhất tặng giải Nhất (giải của Quốc hội) cho hai tác phẩm: Bộ tranh tứ bình “Đóng thuế nông nghiệp” và “Chống giặc dồn làng” của họa sĩ Tạ Thúc Bình. 

Từ 1952 đến 1954, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Trung ương, năng nổ vẽ tranh cổ động, trình bày in ấn sách báo, bản tin, tờ bướm, kể cả trang trí sân khấu... Những bộ tranh truyện thể hiện dưới dạng tranh tứ bình “Đánh giặc giữ làng”, “Chống giặc dồn dân”, “Bình dân học vụ”, “Tăng gia sản xuất”... được ông sáng tác trong giai đoạn này góp phần rất lớn vào việc khích lệ lòng yêu nước, động viên kịp thời quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ.

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên cùng với các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị… tham gia thành lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội).

Họa sĩ Tạ Thúc Bình tham gia cộng tác với Nhà xuất bản Kim Đồng ngay từ những ngày đầu thành lập, tháng 6/1957. Ông là một trong ba người thiết kế bìa mẫu cho loạt sách đầu tiên của nhà xuất bản cùng với Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến. Ông đã vẽ minh họa cho nhiều tác phẩm của các tác giả viết truyện lịch sử, truyện thiếu nhi cho nhà xuất bản như: Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Tô Hoài, Phạm Hổ…  

Họa sĩ Tạ Thúc Bình ra đi đã gần 20 năm nhưng trong tâm tưởng nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò, công chúng nghệ thuật còn mãi hình ảnh một người thầy tận tụy, một họa sĩ của tuổi thơ và của đồng quê…/.

Tin, ảnh: HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực