TS. Văn học Bùi Thế Đức và tập thơ “Hương vị thời gian”

Thứ năm, 02/03/2023 16:09
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với tâm hồn lãng mạn, gắn bó với quê hương, đất nước, TS. Văn học Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vừa cho ra mắt tập thơ “Hương vị thời gian” (NXB Hội nhà văn).

 

Tập thơ "Hương vị thời gian" của TS Bùi Thế Đức 

Đã xuất bản nhiều tập sách trước đó như: “40 năm hợp tác và phát triển” (đồng tác giả), “Công tác Tuyên giáo trước yêu cầu mới”, “Ô cửa nhỏ nhìn ra đại dương”... nhưng đây là tập thơ đầu tiên của TS. Bùi Thế Đức, mở ra một cánh cửa đi vào tâm hồn của tác giả.

Với 36 bài thơ chia làm 4 phần, gồm “Tiếng gọi mùa xuân”, “Kỷ niệm mùa hè”, “Hương vị mùa thu” và “Nỗi nhớ mùa đông” là tâm tình của tác giả với bốn mùa của Trời đất và cũng là bốn mùa của lòng người: Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Trong lời tự bạch của mình, như TS. Bùi Thế Đức cho biết, anh sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề dạy học, hay làm thơ về cuộc đời, về quê hương và để răn dạy con cháu. TS. Bùi Thế Đức đã trải qua một hành trình dài, đi nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Nga thế kỷ XX với đề tài “Kinh nghiệm khám phá nghệ thuật thế giới nhân vật trong văn xuôi về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (A.Phađêép, V.Bưcốp, B.Vaxiliép) và ý nghĩa của vấn đề này đối với văn học Việt Nam”.

Trải qua hơn 40 năm công tác, trong đó có 23 năm ở các Ban của Trung ương Đảng, TS. Bùi Thế Đức đã viết hàng trăm bài báo về công tác Tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng... Với anh, có lẽ thơ là một ngôn ngữ riêng để bộc lộ những cảm xúc, kỷ niệm đáng nhớ nhất của bản thân trước khung cảnh thiên nhiên, con người.

Trong lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có viết: Mùa xuân trong thơ Bùi Thế Đức không chỉ có chim én, hoa đào, mưa bay lất phất mà nó còn mang ý nghĩa ẩn dụ về sức sống, về tiềm năng, về sức mạnh của đất nước.

Đó mới thực là ẩn ý sâu xa của tác giả: “Anh có nghe đất nước sang trang/ Đang mạnh mẽ vươn mình sau giông bão/ Khát vọng hùng cường thỏa ước ông cha/ Xuân rộng dài bao mong ước vươn xa” (bài “Mùa xuân đất nước”).

Sau khi phân tích về sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên, về tình cảm đậm đà với quê hương, đất nước của tác giả, nhà thơ Hữu Thỉnh chốt lại: “Hương vị thời gian” là hương vị tâm hồn của một nhà khoa học. Với những rung động thành thực và qua những cung bậc của tình cảm, tập thơ cho ta thấy vẻ đẹp nội tâm của tác giả. Với Bùi Thế Đức, thời gian đã trở thành đối tượng thẩm mỹ thách đố và mời gọi những tìm tòi sáng tạo”.

Thơ của Bùi Thế Đức giản dị, chân thành với sự hòa quyện của con người và thiên nhiên. Mùa xuân của đất trời nhưng cũng chính là mùa xuân của lòng người: “Em nghe chăng Xuân thức dậy lòng ta/ Tí tách giọt mưa thì thầm hoa lá/ Chim ríu rít ở bên ngoài song cửa/ Giã biệt mùa Đông băng giá đang tan” (bài “Tiếng gọi mùa Xuân”).

Mùa hạ với tác giả là mùa yêu thương: “Hạ xóa cả những giận hờn vô cớ/ Trả tin yêu, thổn thức thuở ban đầu/ Lại ngọt ngào vành môi chúm chím/ Chùm Phượng hồng cháy bỏng - Em trao” (bài “Nhớ mùa hạ”) và cũng là mùa để đánh thức những kỷ niệm tưởng đã ngủ yên trong tim “Ký ức xưa chưa cũ bao giờ” (bài “Hè về”).

TS. Bùi Thế Đức Nguyên - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Mùa hạ còn là mùa của đợi chờ: “Bâng khuâng trời thấu rót cơn mưa/ Hoang hoải lòng ai ngóng đợi chờ?/ Niềm vui tri kỷ nhân hai nửa/ Tóc ướt, vai mềm nỗi nhớ xưa...” (bài “Đợi chờ”). Mùa thu lại là mùa “mang nỗi nhớ xa xăm” là mùa của “Ta bên nhau đi lạc bước trong đêm/ Em thì thầm về những điều kỳ diệu” (bài “Hương vị Thu”)...

Đó còn là một so sánh giữa thời khắc thu Hà Nội và thu của Mátxcơva: “Chia tay heo may Hà Nội/ Tắm Thu vàng Mátxcơva/ Hai nước ở hai đầu xa thẳm/ Mà chúng mình say đắm cùng Thu” (bài “Mùa thu Hà Nội và Mátvxcơva”).

Mùa đông là câu chuyện của tình yêu. Những bài thơ tình trải dài không gian và thời gian mang nhiều hương vị. Đó có thể là nỗi buồn xa nhau vào mùa đông, lúc lại là sự động viên bản thân: “Ta ơi đừng như cây bàng lẻ/ Thương gửi cho nhau làn hơi ấm/ Dù cách xa nhưng tình ta sâu đậm/ Mặc trời Đông ta mãi Xuân hồng” (bài “Đông về”).

Bùi Thế Đức có ba bài thơ viết về người thân. Anh có những câu thơ chân thành, mộc mạc mà sâu xa: “Bảy năm chốn non bồng nước nhược/ Mẹ vẫn theo chúng con đi giữa cuộc đời/ Chiều cuối Đông con lại về với Mẹ/ Giữa khói hương, con thấy Mẹ đang cười”. (bài “Nhớ Mẹ chiều Đông”); “Bố trước sau không rời ai cả/ Rồi trời thương nên có chúng con” (bài “Chiều Thu nhớ Bố”), rồi những lời khuyên ấm áp cho con gái trong bài “Ước mơ của con gái”...

Bài thơ kết của “Hương vị thời gian”: “Những câu thơ chưa nói hết lòng mình/ Vì cuộc sống có bao điều kỳ lạ/ Thoảng trong gió lời thì thầm của sóng/ Câu thơ nào hoang hoải... một niềm xa?” (bài “Vô đề”).

Hy vọng với tâm hồn thơ dào dạt, bay bổng, TS. Bùi Thế Đức sẽ còn cho ra mắt công chúng nhiều tập thơ ý nghĩa như “Hương vị thời gian”.

Tin, ảnh: B.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực