|
Ảnh minh họa |
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý khi tu bổ, tôn tạo: Đối với Tam quan, chỉ thay thế các viên ngói hư hỏng, trát lại các mảng tường bị long lở, quét vôi truyền thống theo màu gốc; bổ sung phương án bảo quản chữ Hán, con giống để tái sử dụng.
Đồng thời tận dụng tối đa chân tảng, ngói cũ, gạch cũ. Bổ sung phương án gông bó con giống, hoa văn, họa tiết trang trí trên tường, bờ mái để tái sử dụng. Có phương án bảo vệ, bảo quản an toàn hiện vật (các tấm bia đặt tại gác chuông), đồ thờ tự trong quá trình thi công. Bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy và chiếu sáng nội thất các hạng mục công trình.
Đối với gác chuông, nhà/phủ Mẫu: Thành lập Hội đồng đánh giá di tích để phân loại, đánh giá cấu kiện của các hạng mục công trình theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Lưu ý: Bảo tồn nguyên vẹn các cấu kiện trang trí chạm khắc (đầu dư, bẩy, con chồng, cốn). Bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cổ và cũ, giữ nguyên cấu kiện còn tốt (tu bổ bằng biện pháp chắp - vá - nối đối với cấu kiện hư hỏng một phần), chỉ thay mới cấu kiện bị hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá cấu kiện sau hạ giải.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị chủ đầu tư gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu trữ và quản lý di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ, thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo di tích chùa Phúc Hải trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật./.