Bộ và toàn Ngành tiếp tục quyết liệt thay đổi căn bản, thực chất công tác quản lý Nhà nước thông qua pháp luật và bằng công cụ pháp luật. Theo đó, công tác tham mưu xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế đạt được nhiều thành quả rất quan trọng với điểm nhấn là Quốc hội thông qua Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, khơi thông nguồn lực, kiến tạo phát triển và phân cấp sâu cho địa phương theo phương châm: “Địa phương quyết - Địa phương làm - Địa phương chịu trách nhiệm”.
Bộ cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới văn hóa cơ sở và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2045; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Chỉ thị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ban hành: 05 Nghị định 10 Quyết định 02 Chỉ thị; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư. Đây là những chính sách pháp luật có tính chất đột phá của Ngành trong năm 2024, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tạo bước chuyển biến căn bản về chất trong xây dựng thể chế phát triển của Bộ và Ngành.
|
Môi trường văn hóa tiếp tục được đầu tư, chăm lo thực chất hơn. |
Môi trường văn hóa tiếp tục được đầu tư, chăm lo thực chất hơn, đã hình thành nhiều mô hình hay từ địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Di sản văn hóa đã từng bước trở thành nguồn lực góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Năm 2024, chúng ta tự hào có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh: “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế của Việt Nam” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các ngành công nghiệp văn hóa có những bước phát triển rất đáng tự hào với nhiều chương trình và tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn góp phần định vị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế và có đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, theo thông kê các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp gần 4,4% vào GDP của đất nước. Hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa được tăng cường, Bộ đã tiến hành đàm phán và ký kết 11 văn kiện hợp tác quốc tế, qua đó đã tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam vươn ra với thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Thể thao Việt Nam năm 2024 có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo đà cho thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thể thao quần chúng năm qua phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình mới được triển khai, tiếp tục tạo đà và nền tảng cho thể thao thành tích cao; đồng thời nâng tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao giúp cho dân cường, nước thịnh.
|
Đội tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam tại Giải bóng chuyền nữ AVC Challenge Cup 2024.
|
Thể thao thành tích cao ngày càng được chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất đến chất lượng đào đạo, tập luyện và thi đấu. Tại Olympic Paris 2024, chúng ta đã có 16 VĐV/11 môn giành suất tham dự. Mặc dù không đạt được huy chương, nhưng toàn đoàn, nhất là các huấn luyện viên, các vận động viên đã cố gắng, nỗ lực hết mình vì tinh thần thể thao cao thượng và màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Điểm nhấn ấn tượng là Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương Đồng thế giới tại Cúp bóng chuyền thế giới - FIVB Challenge Cup 2024 và lần thứ hai vô địch châu Á Cúp bóng chuyền châu Á - AVC Challenge Cup 2024. Khép lại năm 2024, thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành được tổng số 1214 huy chương quốc tế, trong đó có 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc 372 huy chương đồng.
Du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ đã chủ động đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển du lịch hướng tới: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm có quy mô quốc gia, quốc tế với điểm nhấn lần đầu tiên tổ chức xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” và đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism tại Hội An. Giải thưởng Du lịch thế giới đã tôn vinh Việt Nam ở ba hạng mục: “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính giao với những con số rất ấn tượng: Gần 110 triệu lượt khách nội địa; gần 17,5 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, đóng góp thực chất cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
|
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực. |
Thành quả của năm 2024 là tiền đề quan trọng để Ngành VHTTDL vững vàng, tự tin bước vào năm 2025 với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt các nhiệm vụ được giao phục vụ Đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các sự kiện trọng đại của Đảng, của dân tộc; xây dựng hệ thống thể chế phát triển đồng bộ, căn cơ; thay đổi mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, quản lý, quản trị và tổ chức thực hiện chính sách theo hướng phân cấp sâu cho địa phương và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ VHTTDL tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với đội ngũ cán bộ, công chức viên chức chuyên nghiệp, ngày càng tinh thông, hiện đại. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa có chiều sâu, với độ phủ rộng, thực chất. Phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua việc mở rộng hợp tác, giao lưu về văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thật sự trở thành các ngành công nghiệp không khói với hàm lượng trí tuệ và sáng tạo cao, có sức cạnh tranh và tiệm cận với các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Hoàn thiện thể chế, nguồn lực, nhân lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho thể thao phát triển, hướng tới vươn tầm châu lục và thế giới. Triển khai các giải pháp có tính đột phá để phát triển du lịch nhanh và bền vững, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 - 130 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
Với phương châm: “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” và niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; sự chung tay của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, kế thừa những thành quả đã được trong thời gian qua, Bộ và Ngành sẽ chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.