Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - Thống nhất trong đa dạng

Thứ hai, 11/11/2024 14:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số mấy chục năm qua đã góp vào vườn hoa văn nghệ nước nhà những sắc màu không trộn lẫn.

Thực hiện Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), mới đây, trên mảnh đất An Giang giàu truyền thống anh hùng và lịch sử cách mạng, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đã tổ chức cho 20 văn nghệ sĩ dự Trại sáng tác VHNT ở An Giang.

Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Phú Thọ - Trưởng trại sáng tác cho biết, với sự nỗ lực tìm tòi và được khơi nguồn cảm hứng, chỉ trong thời gian ngắn, các văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành đã có “vụ thu hoạch” những tác phẩm tươi rói.

Văn hoá các dân tộc thiểu số là nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sĩ (Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn dàn nhạc Ngũ âm của trẻ em người dân tộc Khmer ở An Giang) - Ảnh: Phương Liên 

Ở mảng văn học, Nhà thơ Bàng Ái Thơ đến từ Thủ đô Hà Nội với 3 tác phẩm: Cảm tác một vùng quê; Cùng tôi là lá; Tình thơ hồi sinh; Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa đến từ Đất Tổ với chùm 4 tác phẩm: Nơi khởi nguồn; An Giang - Ngày trở về; Những ngày gần nối những ngày xa; Câu hò nơi cửa chín nhánh sông gửi trọn tình cảm chân thành ở vùng đất An Giang, nơi nồng nàn hơi thở mật phù sa.

Nhà văn Lê Quang Trạng của vùng quê An Giang với Truyện ngắn Mèo và Chuột; Nhà văn Vũ Thảo Ngọc từ vùng mỏ với truyện ngắn Đợi ở Vịnh Rồng và gửi tình cảm với bầu bạn qua 2 bài thơ Một thoáng sông Hậu và Với bạn văn ở An Giang; Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ - An Giang với chùm 6 bài thơ: Gọi; Vọng; Phố mùa về; Khẽ; Bông cúc đỏ; Đôi mắt cánh đồng. Những bài thơ tươi nguyên hơi thở của mùa yêu, mùa hò hẹn, đâu đó hiện lên những phận người tảo tần, nhân hậu và thủy chung... Tác giả Danh Quân của Kiên Giang với chùm 3 bài thơ: Chùa Cù Là; Tâm tư người dẫn bước Nỗi nhớ quê; Nhà văn Hồ Kiên Giang đem đến truyện ngắn Đêm biên thùy viết về quá trình đi tìm đồng đội của các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia…

Ở mảng nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trương Thạch Vũ đến từ Kiên Giang với chùm ảnh: Tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia; Vũ điệu Robon Khmer; Tiếng trống Sa dăm Khmer; Thiếu nữ Chăm; Yên ả vùng quê sông nước; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Lâm Tuyền từ vùng đất Sóc Trăng với các tác phẩm: Cô gái bán bánh Kà Tum Tri Tôn; Nghệ thuật kiến trúc Khmer Tà Pạ (An Giang); Hồ Ông Thoại huyện Thoại Sơn (An Giang); Làng nghề vẽ tranh kiểng ở huyện Chợ Mới (An Giang); Nghề làm mắm Cà Rang ở huyện Phú Tân (An Giang); Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thu Phương từ vùng đất Trung du anh hùng đã kịp ghi lại những bức ảnh mang đậm hình ảnh cảnh vật và đời sống sinh hoạt của đất và người An Giang qua chùm ảnh: Chùa Bánh xèo (An Giang); Mắm Châu Đốc; Mùa lúa Tịnh Biên; Chợ Tịnh Biên; Bánh bò làng Chăm; Nhà văn Đoàn Hữu Nam tập trung khai thác một số chủ đề qua 4 truyện ngắn: Khởi nghiệp; Biết đâu gió sẽ đổi chiều; Ác giả ác báo; Trước ngày đổi mới. Nhà Lý luận - Phê bình Đỗ Nguyên Thương nơi thành phố Ngã Ba sông đi sâu khai thác một số đề tài liên quan tới học thuật trong chùm bài viết: Bàn về chất văn trong bài phê bình văn học; Bàn thêm về ngữ cảnh trong sáng tác VHNT; Vai trò của chi tiết trong Truyện ngắn tự sự; Họa sĩ Thái Thị Phương Mai của An Giang với tác phẩm Hồ Ô Thum (Tri Tôn, An Giang) và tác phẩm Chùa Long Định (Núi Cấm -An Giang); Tác giả văn nghệ dân gian Trần Phước Thuận đến từ Bạc Liêu đem đến tác phẩm Bảo tồn và phát huy văn học dân gian của người Khmer. Tác giả Thạch Sene tâm huyết và đắm đuối với Ca dao dân ca trong lòng người Khmer Nam Bộ.

Nghệ sĩ múa Hứa Thị Anh Đào đã xây dựng kịch bản Tổ khúc múa mang tên Bất tử thể hiện hình tượng các chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc; Nhà báo Mai Phương và Chương Nhỏ, chuyên ngành Sân khấu điện ảnh Kiên Giang với phóng sự truyền hình Độc đáo Lê dâng y Kathina; Nghệ sĩ chuyên ngành Sân khấu điện ảnh Danh Du Số của An Giang thu hoạch ở Trại sáng tác với tác phẩm du khảo Người Chăm An Giang với cuộc hành trình mang nhiều tâm huyết của tác giả và bài thơ Chuyện tình bên khung tơ đậm chất trữ tình.

 Một cuộc hội thảo bàn về tính thống nhất trong đa dạng của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại An Giang

Có thể thấy, những tác phẩm VHNT được các văn nghệ sĩ đến từ các tỉnh, thành sáng tác trong thời gian ngắn là minh chứng cho tính đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam nhận xét, VHNT của các DTTS mang đậm bản sắc riêng, đề tài rộng, từng bước bắt nhịp với đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu và cái ác. Thể loại sáng tác phong phú và đa dạng hơn; nhiều tác giả mạnh dạn tìm tòi thể hiện các thể loại như: văn xuôi, lý luận phê bình, điện ảnh… bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế./.

TS. Phú Văn Hẳn - Ủy viên BTV Hội VHNT các DTTS Việt Nam cho rằng, VHNT các DTTS luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, định hướng của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước; được đông đảo trí thức và những người yêu văn hóa dân tộc nhiệt tâm ủng hộ, cộng tác, giúp sức đã luôn phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT các DTTS.

 Để giá trị văn hóa VHNT DTTS luôn là bông hoa xinh đẹp trong vườn hoa sắc màu VHNT Việt Nam, thời gian qua, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".

Các chương trình, kế hoạch của Hội đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các DTTS và phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh hội viên bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến,... Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa DTTS; đồng thời tính đa dạng văn hóa vùng miền, VHNT các DTTS mấy chục năm qua đã góp vào vườn hoa văn nghệ nước nhà những sắc màu không trộn lẫn - Nhạc sĩ Nông Quốc Bình nói./.

Phương Liên - Trường Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực