Phát biểu Đề dẫn Giao lưu trực tuyến
“70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính thưa:
- Kính thưa các đồng chí và quý độc giả!
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng.
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị xác định: "… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công".
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.
Thực hiện lời dạy của Người, nhiều phong trào thi đua đã phát triển rộng khắp, thực sự là động lực to lớn, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Điển hình là các phong trào thi đua: “Tuần lễ vàng”; “Bình dân học vụ”… đến “Cờ Ba nhất” trong quân đội; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Hai tốt” trong giáo dục; “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên…
Đặc biệt trong hơn 30 năm Đổi mới, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào đã được phát động và thực hiện có hiệu quả như “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, … Và gần đây là cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”… Nhìn chung, các phong trào thi đua đã gắn bó mật thiết với quyền và lợi ích của người dân, góp phần vào những thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo vệ Tổ quốc.
Kính thưa các đồng chí!
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hằng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Thưa các đồng chí và các bạn!
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Bí thư tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư cho rằng, trong nhiều nội dung cần làm thì trước hết cần phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải hết sức gương mẫu. Đồng thời, cần phải tạo phong trào trong xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình; giải quyết công việc phải xuất phát trên nền tảng tình thương yêu con người theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ.
Kính thưa các đồng chí!
Với cách tiếp cận trên và để thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 – 11/6/2018).
Thông qua giao lưu, đối thoại trực tuyến với độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một phương thức mới cùng với các phương thức tuyên truyền khác trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước qua từng giai đoạn cách mạng của Đảng và nhân dân ta, từ đó củng cố và bồi đắp niềm tin tưởng của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giao lưu trực tuyến nhằm góp phần tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy và củng cố niềm tin vào các phong trào thi đua yêu nước; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII…
Với tinh thần ấy, tại buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay, Ban Tổ chức rất mong các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia tập trung bình luận, phân tích, trao đổi, trả lời làm sâu sắc thêm các nội dung mà bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi, với 4 nhóm vấn đề chủ yếu sau:
1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước; việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về phong trào thi đua trong giai đoạn mới và vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua.
2. Những kết quả nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước trong 70 năm qua; thực chất, hiệu quả các phong trào thi đua. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả việc phát hiện, nuôi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua, các gương tập thể, cá nhân? Làm thế nào để các phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu, làm cho thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ động viên mọi người dân phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao? Làm thế nào để việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành phong trào thi đua rộng khắp, hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay? Và rồi vì sao, trong thời gian qua, vẫn có tình trạng “anh hùng sa lưới pháp luật”? Làm gì để đổi mới quá trình xét tặng các danh hiệu thi đua cho phù hợp với tình hình hiện nay?
3. Chia sẻ, trao đổi của một số điển hình tiên tiến với những mô hình mới, sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước, trong học và làm theo Bác. Sức thu hút, lan tỏa của họ đối với những người xung quanh và từ các hoạt động cụ thể.
4. Những vấn đề đặt ra và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Làm sao để các phong trào thi đua thu hút được mọi đối tượng, thành phần trong xã hội tham gia? Phong trào thi đua cần thay đổi như thế nào cho phù hợp trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0…?
Thay mặt lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia đã dành thời gian tham gia buổi Giao lưu trực tuyến quan trọng, đầy ý nghĩa này.
Xin cảm ơn quý độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực tham gia Giao lưu trực tuyến, đặt thêm nhiều câu hỏi xoay quanh các nội dung, chủ đề của Giao lưu hôm nay.
Kính chúc sức khỏe quí vị đại biểu và chúc cho buổi Giao lưu trực tuyến của chúng ta đạt kết quả tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!