Phát biểu Đề dẫn của Tiến sĩ Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính thưa: - Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
- PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương;
- TS. Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
- Kính thưa các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn!
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn luôn là tấm gương mẫu mực về sự tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Quan điểm, tư tưởng về nêu gương của Người là chỉ dẫn, là động lực tinh thần to lớn, là giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng mà phải bằng hành động, việc làm. Người đặc biệt quan tâm đến “hành động”, do đó, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ðây là nguyên tắc trước hết, có vai trò cực kỳ quan trọng của việc nêu gương, nếu không sẽ làm mất uy tín cá nhân cũng như của cơ quan, địa phương mình trước quần chúng. Chỉ có thống nhất giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mới xây dựng được sự tin yêu của nhân dân, đây là yêu cầu rất quan trọng trong lãnh đạo.
Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những nội dung toàn diện và sâu sắc hơn. Điều này là sự tiếp nối các chủ trương của Đảng, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.
Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ.
Trong đó, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khoá XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Thực hiện chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đánh giá về kết quả đã đạt được, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Lời thề và đức hy sinh của cán bộ, đảng viên đã và đang bị thách thức mạnh mẽ trong bối cảnh tác động mạnh mẽ tự mặt trái của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ, hàng ngày hàng giờ đến lợi ích cá nhân của mỗi người, trong đó trước hết là sự tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là đáng báo động. Những con số rất đáng lo ngại là, trong 5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Trong đó, đáng báo động là số đảng viên có chức, có quyền không giữ được mình, bị tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật trong 05 năm qua có biểu hiện gia tăng. Và đáng lo ngại là trong đó có cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố vị tội tham nhũng, gây phân tâm, lo lắng trong xã hội.
Những con số trên, và sau những vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp cấp vi phạm pháp luật khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã thực chất như lời thề khi trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc? Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã có kết quả như Bác Hồ và Đảng ta mong muốn?.
Kính thưa các đồng chí!
Để góp phần đưa Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương” vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?”
Giao lưu trực tuyến nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và của cán bộ, đảng viên trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương về vai trò, ý nghĩa của Quy định trách nhiệm nêu gương. Qua đó, góp phần xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Với tinh thần ấy, tại buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay, Ban Tổ chức rất mong muốn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học tập trung phân tích, trao đổi làm sâu sắc thêm 5 nhóm nội dung cơ bản sau:
1. Vì sao Đảng ta phải ra Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên?
2. Vì sao nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng? Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện Quy định nêu gương còn khó khăn, thách thức và không ít lực cản. Vậy làm thế nào để cán bộ cấp cao, nhất là người đứng đầu thực hiện gương mẫu đi đầu, thực sự là gương sang để cấp dưới, quần chúng noi theo?
3. Để xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh, cán bộ cấp cao, nhất là người đứng đầu không thể không nêu gương tự phê bình và phê bình. Làm thế nào để khắc phục tình trạng trong tự phê bình và phê bình còn hình thức, dĩ hòa vi quý, ca ngợi, khen lẫn nhau?
4. Giải pháp nào để tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định 08? Giải pháp nào để tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về Quy định trách nhiệm nêu gương? Giải pháp nào để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng? Giải pháp nào để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đảm bảo thực hiện Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương? Giải pháp nào có tính pháp quy để thực hiện có hiệu quả Quy định về trách nhiệm nêu gương?
Thay mặt lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đã dành thời gian tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến quan trọng, đầy ý nghĩa này.
Xin cảm ơn quý độc giả của Báo điện tử ĐCSVN đã tích cực và sẽ tiếp tục tham gia đối thoại trực tuyến, đặt thêm nhiều câu hỏi xoay quanh các nội dung, chủ đề của Tọa đàm hôm nay.
Kính chúc sức khỏe quí vị đại biểu và chúc cho buổi Tọa đàm trực tuyến của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!