TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu Đề dẫn Giao lưu trực tuyến “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu”
Kính thưa: PGS. TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia!
Thưa các đồng chí, đồng nghiệp!
Vấn đề tự chủ đại học là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia. Trong đó đối với nước ta, cũng có thể coi đây là “gốc rễ” của đổi mới lĩnh vực rất quan trọng này, bởi vì, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể khẳng định vấn đề tự chủ đại học ở nước ta đã có những chuyển biến rất tích cực.
Đến thời điểm này, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ. Sau 3 năm (2014-2017), mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục Đại học đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận. Các trường Đại học đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế. Số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt, số lượng các công trình được công bố của các trường tự chủ từ 2013 - 2016 nhìn chung tăng lên đáng kể.
Cùng với đó, các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường. Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tăng, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống...
Về tài chính, tổng thu giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Cùng với việc tăng học phí, các trường đã thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách.
Kính thưa các đồng chí và quý độc giả!
Sau hơn 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ Đại học, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã bộc lộ cần được tháo gỡ trước khi cơ chế tự chủ chính thức được vận hành rộng rãi. Đó là: thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; còn thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ Đại học; việc giao quyền tự chủ đối với giáo dục Đại học mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo. Hiện nay, vấn đề tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục thí điểm vẫn còn nhiều tranh cãi…
Từ kinh nghiệm quốc tế và xu hướng chung trên thế giới hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn đối với trường đại học. Tại Việt Nam, thực tế cho thấy, tự chủ sẽ tạo động lực cho trường đại học phát huy mọi khả năng, năng lực nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường đại học, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động đào tạo. Mặt khác, huy động được sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các trường đại học, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.
Tại Hội thảo Giáo dục mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, Giáo dục của Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Vì vậy, tự chủ đại học là tất yếu!.
Khi bàn về các giải pháp trong thời gian tới, các chuyên gia cũng chỉ rõ, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định rõ quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục Đại học; làm rõ nội dung tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để bảo đảm bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết những điểm giao thoa, chồng chéo giữa các luật và văn bản dưới luật liên quan đến việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục Đại học; Tăng cường thí điểm, xây dựng lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”;Tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm theo quy định pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các trường đối với chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo…
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng chúng ta đã và sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Và rất cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp căn cơ để giải bài toán này. Việc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao lưu trực tuyến hôm nay cũng là một bước để trao đổi, làm rõ một số vấn đề xung quanh chủ đề rất nóng này. Cụ thể là:
Thứ nhất, tự chủ Đại học – xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia hiện nay.
Thứ hai, cơ sở lý luận, vấn đề cốt lõi của tự chủ đại học là gì?.
Thứ ba, nhận diện thực trạng tự chủ đại học ở nước ta hiện nay.
Thứ tư, những vấn đề đặt ra về tự chủ đại học hiện nay. Nên trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và cần thực hiện quyền tự chủ ra sao để đảm bảo mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả và chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời vẫn đảm bảo được công bằng xã hội?. Cơ chế nào để điều chỉnh hợp lý về cơ sở, chính sách, pháp luật đi kèm với việc tăng cường công tác quản lý, giám sát và hậu kiểm…? v.v…
Thứ năm, những giải pháp nào để tiếp tục đổi mới, tăng cường tự chủ đại học trong thời gian tới.
Kính thưa các đồng chí và quý bạn đọc!
Giao lưu, đối thoại trực tuyến với độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là một phương thức mới được Báo triển khai thường xuyên. Cuộc Giao lưu hôm nay nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về quan điểm, mục tiêu đổi mới giáo dục Đại học. Trong đó vấn đề tự chủ đại học là “gốc rễ” của đổi mới, nhất là các nội dung căn bản: Tự chủ về học thuật, tự chủ về tài chính và tự chủ về tổ chức và quản lý.
Tại buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay, Ban Tổ chức rất mong các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia tập trung phân tích, trao đổi, trả lời làm sâu sắc thêm các nội dung mà bạn đọc quan tâm. Chúng tôi kỳ vọng buổi Giao lưu sẽ góp phần giải quyết 5 vấn đề nêu trên, nhằm từng bước tháo gỡ những “nút thắt” trong vấn đề đổi mới giáo dục Đại học nói chung và tự chủ Đại học nói riêng.
Thay mặt lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia đã dành thời gian tham gia buổi Giao lưu trực tuyến quan trọng, đầy ý nghĩa này. Rất mong bạn đọc, ngoài các câu hỏi đã gửi đến Ban Tổ chức, tiếp tục gửi các câu hỏi để trao đổi, giao lưu với các khách mời.
Kính chúc sức khỏe Quí vị đại biểu và chúc cho buổi Giao lưu của chúng ta đạt kết quả tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!