Phát biểu đề dẫn của đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Kính thưa: - Đ/c Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội!
- Kính thưa các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học!
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và đưa đến nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Trong đó, rác thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam do sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.
Điều đáng nói, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2030 trung bình là 6%/năm.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học!
Đứng trước những tác động tiêu cực của chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị, chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết các vấn đề ô nhiễm. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngà 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề về rác thải; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên – Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó xây dựng thực hiện Đề án trọng điểm về tăng cường năng lực quản lý Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam và xác định lộ trình đến năm 2025 với mục tiêu giảm “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom” xuống 30%.
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ về vấn đề môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động, trong đó có chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Chương trình “Đô thị giảm nhựa” đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 nhằm thúc đẩy sáng kiến “Đô thị giảm nhựa” - một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay đã có 9 địa phương của Việt Nam đã ký cam kết với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) để cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa theo mô hình “Đô thị giảm nhựa”...
Cùng với đó, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục,… với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học!
Giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường ở cuộc sống hiện đại ngày nay và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là đi liền với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường; Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam, đó là những giải pháp quan trọng bảo vệ môi trường cho tương lai, phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020.
Với mục đích phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác truyền thông, phổ biến các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.
Tọa đàm nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị các giải pháp hiệu quả, nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
Với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, Ban Tổ chức Toọ đàm đề nghị các quản lý, nhà khoa học, các đại biểu tham dự Toạ đàm tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, các giải pháp về công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; xây dựng chiến lược truyền thông nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn; kết quả việc xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể.
Hai là, làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa, chất thải rắn đô thị; khả năng tiếp cận thông tin, tìm kiếm công nghệ của các nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế…
Ba là, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến quản lý rác thải tại các đô thị nói chung và công tác triển khai thực hiện mô hình “Đô thị giảm nhựa” tại Việt Nam; vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn, rác thải nhựa hiện nay đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.
Bốn là, qua Tọa đàm có những đóng góp về mô hình, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thi. Trong đó, quan tâm đến các giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn; hướng dẫn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với nền kinh tế sạch, cacbon thấp theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; và đặc biệt là vấn đề quản lý Nhà nước đối với việc ứng dụng công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương.
Năm là, sau Tọa đàm giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức tổng hợp các ý kiến phát biểu, các tham luận báo cáo kết quả Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo các cơ quan phối hợp, xây dựng tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ về vấn đề môi trường.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Trên đây là một số nội dung cần tập trung thảo luận tại Toạ đàm. Với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sự tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học…, tôi tin tưởng Toạ đàm của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.
Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024; chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.