Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử ĐCSVN phát biểu Đề dẫn
Kính thưa: PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Cố vấn Chương trình Tọa đàm.
- Kính thưa PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cố vấn Chương trình Tọa đàm.
- Kính thưa Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Đồng Trưởng Ban Tổ chức Tọa đàm.
- Kính thưa các nhà khoa học, các đồng chí và quý độc giả!
Cách đây 100 năm, ngày 7-11-1917 đã nổ ra cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, một sự kiện lịch sử làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Cách mạng Tháng Mười không chỉ mở ra con đường giải phóng nước Nga, mà còn cho cả các dân tộc và loài người; mở đầu cho một thời đại mới trong lịch sử hiện đại, đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra quá trình hiện thực hóa lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, biến những mơ ước, lý tưởng ấy thành hiện thực sinh động ở Liên Xô và phát triển thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã động viên, cổ vũ giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đoàn kết, đứng lên làm cách mạng vô sản, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, làm chủ đất nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga khẳng định giá trị, tầm vóc và ý nghĩa đối với việc xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ kinh tế mới và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở trực tiếp cho các Đảng Cộng sản xác định quan điểm, chủ trương, đường lối lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong 100 năm qua, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa đã noi theo tấm gương, tinh thần và lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, kiên cường đấu tranh, bảo vệ và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu to lớn.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là những sai lầm chủ quan nên mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng vào những năm cuối thập kỷ 80 và đổ vỡ năm 1991 của thế kỷ XX. Sự đổ vỡ mô hình CNXH Xô Viết ở Liên Xô và Đông Âu đã gây ra những tổn thất to lớn cho lực lượng cách mạng thế giới, kéo lùi quá trình hiện thực hóa lý tưởng cộng sản của loài người, nhưng không thể là dấu chấm hết cho lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, càng không thể là sự “kết thúc lịch sử” của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học như các luận điệu thù địch rêu rao. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu chính là sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xơ cứng, chậm thay đổi với những biến chuyển to lớn của thời cuộc, khi cải tổ, cải cách lại xa rời nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội. Sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội Xô viết đã tác động rất sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị thế giới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận động và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới.
Song chính từ thực tiễn thất bại đó đã để lại những bài học quý giá, là cơ hội cho những người cộng sản, những lực lượng tiến bộ trên thế giới nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn quy luật vận động, phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm dân tộc mình và xu thế của thời đại. Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa dù không còn tồn tại với tư cách là một hệ thống, nhưng thực tiễn sức sống và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Tròn một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi. Khoảng thời gian ấy không dài so với toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại, nhưng đủ để nhìn nhận, đánh giá khách quan giá trị ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga. Có thể khẳng định rằng, không điều gì có thể phủ nhận được ý nghĩa to lớn, giá trị vĩnh hằng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với sự phát triển của xã hội loài người.
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi đi cùng năm tháng, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười không chỉ rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam mà còn cổ vũ quần chúng công nông vùng lên làm cách mạng, đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân ta đã vùng dậy đấu tranh, làm nên kỳ tích lịch sử - đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do của chủ nghĩa xã hội.
Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tiễn hoạt động của chính quyền Xô viết đã để lại nhiều bài học cả về lý luận và thực tiễn rất sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp với những giá trị của Chủ nghĩa Mác – Lênin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và điều kiện cụ thể của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong hơn 30 năm Đối mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong gần chín thập kỷ qua, với tư cách là một Đảng chân chính cầm quyền, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời không ngừng tiếp thu, vận dụng vào thực tiễn của tình hình mới để hiện thực hóa con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của cách mạng nước ta là phần thưởng to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta gần 9 thập kỷ qua, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới đã góp phần khẳng định tầm vóc lớn lao, ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Các đại biểu tham dự cuộc Tọa đàm
Kính thưa các đồng chí!
Với cách tiếp cận trên và để thiết thực kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sáng mãi Cách mạng Tháng Mười Nga”.
Thông qua giao lưu, đối thoại trực tuyến với độc giả của Báo điện tử ĐCSVN cũng là một phương thức mới cùng với các phương thức tuyên truyền khác trong dịp kỷ niệm 100 Cách mạng Tháng Mười Nga năm nay nhằm góp phần tiếp tục khẳng định, làm sáng tỏ thêm bản chất, giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga trong thời đại ngày nay. Tọa đàm trực tuyến nhằm góp phần tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy và củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; góp phần tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng…
Với tinh thần ấy, tại buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay, Ban Tổ chức Tọa đàm rất mong muốn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học tập trung phân tích, trao đổi làm sâu sắc thêm các nội dung, vấn đề cơ bản sau:
1. Cách mạng Tháng Mười Nga: Giá trị lịch sử - ý nghĩa thời đại
2. Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga; nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu; bài học đối với sự nghiệp cách mạng và công tác xây dựng Đảng của Việt Nam;
3. Thực trạng và triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
4. Cách mạng Tháng Mười Nga với cách mạng Việt Nam. Khẳng định những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước ta là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
5. Vận dụng tư tưởng của Lê-nin và giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
6. Công tác tư tưởng với việc tuyên truyền, giáo dục giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay…
Thay mặt lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đã dành thời gian tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến quan trọng, đầy ý nghĩa này. Xin cảm ơn quý độc giả của Báo điện tử ĐCSVN đã tích cực và sẽ tiếp tục tham gia đối thoại trực tuyến, đặt thêm nhiều câu hỏi xoay quanh các nội dung, chủ đề của Tọa đàm hôm nay.
Kính chúc sức khỏe quí vị đại biểu và chúc cho buổi Tọa đàm trực tuyến của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!