Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, công tác bảo đảm an ninh, trật tự có ý nghĩa quan trọng. Bạn đọc ở địa chỉ mail: thian08@gmail.com hỏi: Xin Bộ Công an cho biết, đến nay công tác này đã được thực hiện như thế nào?
Trung tướng Tô Ân Xô: Công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đã được Bộ Công an chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước.
Cụ thể: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử, tháng 7/2020, Đảng ủy Công an Trung ương, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch tổng thể công an bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự cuộc bầu cử do 01 đồng chí lãnh đạo Bộ làm Trưởng Tiểu ban để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử.
|
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu kiểm tra công tác bầu cử tại Nhà văn hóa thôn Lực Điền, xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ngày 10/5/2021. (Ảnh: congan.com.vn) |
Lực lượng Công an cả nước đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình bên trong, bên ngoài liên quan an ninh, trật tự cuộc bầu cử; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây mất an ninh, trật tự, chống Đảng, Nhà nước; liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn người nước ngoài, người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ tốt nhất cuộc bầu cử, trọng tâm là Ngày bầu cử.
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trât tự đã cơ bản được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, cụ thể, sẵn sàng bảo vệ tuyêt đối an ninh, an toàn Ngày bầu cử.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 12-5-2021 về quán triệt, giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nêu rõ: bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại, diễn ra trong thời điểm chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; âm mưu hoạt động chống phá bầu cử của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm; những vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang lây lan tại một số địa phương và nhiều nước trong khu vực…
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Ngày bầu cử - ngày hội của toàn dân, phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử, Chủ tịch QH đề nghị, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm tuyêt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng của HĐBCQG, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND, Ủy ban bầu cử các cấp rà soát kỹ các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn và phục vụ tổ chức thành công Ngày bầu cử.
Bên cạnh đó, cần tham mưu hoàn thiện các phương án, kế hoạch bảo vệ bầu cử, sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh ngay tại cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó có tình huống tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly dịch Covid 19; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử. Huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ Ngày bầu cử, bảo vệ từng khu vực bỏ phiếu.
Cũng bạn đọc ở địa chỉ trên hỏi: Trong quá trình triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thưa ông?
|
|
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an. (Ảnh: Thu Hằng/CPV) |
Trung tướng Tô Ân Xô: Trước hết phải khẳng định, quá trình triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử thuận lợi là cơ bản, lực lượng Công an luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân, cử tri cả nước. Trong Công an nhân dân, các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương đều đã có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức, triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ tổ chức các sự kiện cấp quốc gia, Hội nghị quốc tế lớn, nhất là các kỳ bầu cử gần đây; mỗi lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử được triển khai rất bài bản, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng. Bên cạnh thuận lợi, cũng xuất hiện một số khó khăn, thách thức, đó là âm mưu, hoạt động chống phá quyết liệt, ngày càng manh động, liều lĩnh, trắng trợn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, các loại tội phạm nhằm gây mất an ninh, an toàn cuộc bầu cử; tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều khu vực đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có trong triển khai lực lượng, biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử.
Bạn đọc duyenthu@gmail.com hỏi: Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khác với 60 tỉnh, thành phố khác, 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sẽ không bầu Hội đồng nhân dân cấp phường. Vậy công tác chuẩn bị cho bầu cử được Hà Nội tiến hành ra sao? TP Hà Nội có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?
Đồng chí Nguyễn Chí Đoàn: Ngày 27/11/2019, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó thành phố Hà Nội sẽ thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị như sau:
- Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội; huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
- Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết 97/2019/QH14 và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.
- Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Do không tổ chức HĐND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây của Thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường.
Như vậy, 175 phường của thành phố Hà Nội tại kỳ bầu cử này sẽ không thành lập Ủy ban bầu cử ở phường, Ban bầu cử đại biểu HĐND phường như quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mà chỉ thành lập các Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội, HĐND các quận và thị xã Sơn Tây nhiệm kỳ 2021-2026. Tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây đã thành lập 1.591 tổ bầu cử với số cử tri là 2.313.000 người.
Do số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn các phường đã giảm bớt nên thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ủy ban bầu cử các quận và thị xã Sơn Tây cần tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử trên địa bàn; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc bầu cử; chú trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xẩy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.
|
|
Lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo thực hiện cuộc phỏng vấn trực tuyến (Ảnh: CPV) |
Một bạn đọc ở Đông Anh, Tp Hà Nội có địa chỉ mail: thuytruong@gmail.com gửi câu hỏi đến ông Bùi Văn Cường: Xin ông Bùi Văn Cường chia sẻ về những điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những điểm mới trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, về công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập và kiện toàn sớm (Nghị quyết số 108/2020/QH14 ngày 11/6/2020 của Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 111/2020/QH14 ngày 12/6/2020 của Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 08, 09, 10, 11 ngày 23/9/2020 của Hội đồng BCQG về việc thành lập Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền, Tiểu ban An ninh, Trật tự và Y tế; Nghị quyết số 1000/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia). Bên cạnh đó, công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.
|
|
Ảnh minh họa: Nguồn internet |
Thứ hai, về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. Ngoài ra, việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.
Thứ ba, công tác chuẩn bị bầu cử được đặt ra trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua 2 đợt giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia cho thấy, mặc dù các địa phương đã chủ động phòng, chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương nhưng để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ trung ương đến địa phương cần đề cao tinh thần phòng, chống dịch. Đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử thành công.
Bạn đọc ở hòm thư: hoangthuplvn@gmail.com hỏi: Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là bao nhiêu người? Trong đó, số lượng đại biểu chuyên trách là bao nhiêu?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 người; dự kiến số lượng đại biểu chuyên trách là 200 người, trong đó, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương 133 đại biểu và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương (Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố) là 67 đại biểu (riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách).
Bạn đọc ở địa chỉ thu.bhxh2@gmail.com gửi câu hỏi: Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân sự thật tốt để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Vậy quy trình lựa chọn nhân sự, tiêu chuẩn nhân sự ứng cử lần này đã được bổ sung, hoàn thiện như thế nào?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử theo quy định của pháp luật.
Việc giới thiệu nhân sự ra ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND được đại diện các tầng lớp nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp; được tổ chức đảng đồng ý (nếu là đảng viên), được cử tri nơi công tác (nếu là công chức, viên chức) và nhất là cử tri nơi cư trú của ứng cử viên đó đồng ý giới thiệu và được tiến hành hiệp thương 3 lần. Trong quá trình tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ quan trọng tổ chức công tác hiệp thương nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và được luật hóa thành một quy trình chặt chẽ gồm 5 bước (Bước 1: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Bước 2: Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Bước 3: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Bước 4: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND).
Về tiêu chuẩn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một là, trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hai là, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Ba là, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.Bốn là, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.Năm là, có các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động của Quốc hội, HĐND.
Nói chung, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; không vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Bạn đọc thanhmai1976@gmail.com hỏi: Tại Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ chính trị yêu cầu: “Lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn…”. Tại Hà Nội, việc cụ thể hóa Chỉ thị đã được thực hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Chí Đoàn:
Tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có nội dung yêu cầu: “Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sử tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn..”
|
|
Bảng niêm yết danh sách, tiểu sử ứng cử viên ĐBQH và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, Tp Hà Nội (Ảnh: CPV) |
Thực hiện Chỉ thị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 10/9/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của thành phố Hà Nội, trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành của Thành phố phải thực hiện tốt công tác nhân sự, giới thiệu những người có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách… Kiên quyết không giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, bảo thủ, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 03/02/2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó quy định, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp của thành phố Hà Nội, thống nhất về nguyên tắc phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy thì các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện việc lựa chọn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Bạn đọc nguyensonhubt@gmail.com hỏi: Ngay tại kỳ họp Quốc hội tháng 4 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội. Điểm mới này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của HĐND TP Hà Nội?
Đồng chí Nguyễn Chí Đoàn: Tại kỳ họp thứ 11 ngày 08/4/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Nghị quyết, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội gồm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Ban của Hội đồng nhân dân thành phố có 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách.
Việc thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.
Với những điểm mới về việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố, đặc biệt trong công tác giám sát hoạt động của các cơ quan, ban ngành thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết của HĐND và thực hiện nhiệm vụ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, thật sự cần thiết trong điều kiện từ ngày 01/7/2021, thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND tại các phường và vai trò giám sát của HĐND thành phố, HĐND các quận, thị xã cần được nâng cao, tăng cường hơn để vẫn đảm bảo được vai trò giám sát của nhân dân thông qua Hội đồng nhân dân trên địa bàn các phường.