Đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang:
“1 không” “2 ít”, “3 cao”, “5 sẵn sàng” trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của Bắc Giang
Trong những năm qua, nhờ quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành, tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, lực lượng lao động đang trong thời kỳ dân số vàng... Bắc Giang đã có bước phát triển vượt bậc và vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cũng như thứ hạng về kết quả thu hút nguồn vốn FDI duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Cụ thể, năm 2020 thu hút nguồn vốn FDI đạt 968,8 triệu USD, năm 2021 đạt 1.344.9 triệu USD, năm 2022 đạt 581,49 triệu USD. Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay đạt 1,62 tỷ USD tổng vốn đầu tư quy đổi (chưa bao gồm các dự án khu đô thị, khu nhà ở), gấp 1,57 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 521 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 9,59 tỷ USD. Tính riêng trong các KCN hiện hữu trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 20/8/2023 đã thu hút 470 dự án còn hiệu lực, trong đó có 357 dự án FDI, 113 dự án DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,596 tỷ USD và 17.968 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 6,587 tỷ USD, đạt 76,63% tổng vốn đăng ký và khoảng 10.709 tỷ đồng, đạt 59,6% vốn đầu tư đăng ký.
Kết quả thu hút đầu tư FDI ấn tượng như vậy do nhiều yếu tố:
Thứ nhất, tỉnh Bắc Giang tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch; đồng thời, tập trung cao, quyết liệt giải quyết tốt các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội,
- Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu và đã giao 73 nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện cụ thể cũng như định kỳ hàng năm.
Hằng năm, UBND tỉnh đều tiến hành tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bắc Giang” và cho tiến hành khảo sát, đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI).
Đặc biệt, từ năm 2021 kết quả xếp loại DDCI cũng như nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được đưa là một tiêu chí đánh giá để bình xét thi đua, khen thưởng trong hướng dẫn tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hàng năm để các cơ quan, địa phương thực hiện.
- Về triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, tỉnh Bắc Giang đã chủ động đã ban hành các các quy định, văn bản hướng dẫn trong triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đến thu hút đầu tư đầu tư ngoài ngân sách; tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, thúc đẩy các Nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật gây khó khăn cho các cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương trong việc áp dụng thi hành.
- Về thủ tục hành chính, tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết nhằm cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc...
- Về xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh luôn thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án đầu tư, chính sách ưu đãi, việc tiếp cận các nguồn lực của nhà nước (vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản,…), thống nhất chủ trương không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.
Đa dạng các giải pháp để quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh của địa phương trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài; chú trọng các hình thức marketing địa phương, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng hình thức trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào các dự án theo định hướng của tỉnh.
Thứ hai, đổi mới tư duy về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc đảm bảo mục tiêu “doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển”, không chạy theo nhà đầu tư.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhất quán chủ trương thu hút các dự án FDI theo hướng bền vững với quan điểm “1 không” không ô nhiễm, “2 ít” sử dụng ít đất, ít lao động, “3 cao” công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao; “5 sẵn sàng” sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch bệnh hiệu quả.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc xác định vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động…
|
|
Các đại biểu tham dự Tọa đàm |
Trong quá trình thẩm định chấp thuận đầu tư các dự án cụ thể đều yêu cầu các cơ quan cần phải xem xét, thẩm định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo tuân thủ quy định suất đầu tư tối thiểu và số lao động tối đa sử dụng đối với mỗi dự án; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Trong phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh luôn quan tâm gắn kết khu, cụm công nghiệp với các khu đô thị, khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại (cấp thoát nước; bãi đỗ xe; cây xanh; công trình xử lý môi trường; không gian sinh hoạt cộng đồng; các khu dịch vụ; vui chơi giải trí...).
Quan tâm phát triển các dịch vụ hậu cần tại khu, cụm công nghiệp như logistics, ngân hàng, hải quan, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… với các dịch vụ tiện ích khác biệt, tạo ra môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn.
Thứ ba, Tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ để phục vụ thu hút đầu tư.
Về hạ tầng giao thông, tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh Bắc Giang với các tỉnh, thành phố khác tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đơn cử như cầu Như Nguyệt - làn 2 nối giữa tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; xây dựng cầu Hà Bắc 2 nối giữa huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; Xây dựng cầu Hòa Sơn nối giữa huyện Hiệp Hòa với thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; xây dựng cầu Đồng Việt nối giữa huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh; đường vành đai 4 Hà Nội - Bắc Giang kéo dài đi qua khu công nghiệp Yên Lư…
Về hạ tầng các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án khu công nghiệp (KCN), phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc rút gắn thời gian thực hiện các công việc và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành.
Đến nay, Bắc Giang đã có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.967,11ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt khoảng 75,6%, có 7 KCN được nhà đầu quan tâm và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thành lập mới, mở rộng. Đồng thời có 15 KCN thành lập mới nằm trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về các hạ tầng kỹ thuật, xã hội khác, tỉnh luôn quan tâm bố trí mọi nguồn lực tổ chức đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) đến ranh giới các dự án. Đồng thời, hỗ trợ tiếp cận vay vốn tín dụng. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thương mại, dịch vụ, thể dục thể thao, bãi đỗ xe…tại các khu nhà ở cho công nhân. Do vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh.
|
|
Đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận |
Thứ tư, về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp:
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có dân số hơn 1,9 triệu người, trong đó có khoảng 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỉnh đã tích cực nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nguồn lao động có chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh liên doanh, liên kết và có chính sách đặc thù đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…; khuyến khích phát triển cơ sở đào tạo tại doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo nghề tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các chính sách về việc làm, thu nhập và các điều kiện sinh sống, định cư cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, Chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng… để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.
Đối với các dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đều thành lập các tổ công tác do 01 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể, mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát, cùng bàn bạc, trao đổi các vấn đề và cùng đi đến thống nhất. Hàng tháng, UBND tỉnh có các cuộc họp để cùng kiểm điểm, lắng nghe lại các kế hoạch. Phương pháp, cách thức làm việc để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là xây dựng được sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo lòng tin đôi bên và sự chủ động của chính quyền địa phương.
|
|
Đồng chí Trịnh Văn Ánh - Tổng biên tập Báo Bắc Giang điều hành phần tham luận |