Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương chia sẻ cách học lịch sử với các em học sinh. Ảnh: VH
Lịch sử không chỉ là một môn học tại hệ thống giáo dục phổ thông, lịch sử là một môn khoa học cung cấp các tri thức về kiến thức xã hội cần thiết mà mỗi người đều cần phải có, cần biết.
Ở Việt Nam vấn đề học lịch sử luôn dành được sự quan tâm và thu hút của các chuyên gia, thầy cô giáo, phụ huynh và ngay chính các em học sinh. Mặc dù có rất nhiều tranh cãi, nhưng dễ thấy 1 điểm thống nhất giữa dư luận nhiều chiều, đó là làm sao để các em say mê lịch sử, kích thích năng lực tự học, tự tìm hiểu khám phá lịch sử của các em, không chỉ lịch sử dân tộc nói riêng, mà cả lịch sử thế giới…
“Biên niên sử thế giới bằng hình” là một công trình đồ sộ của nhóm tác giả người Anh, được xuất bản bởi Dorling Kindersley Limited - nhà xuất bản hàng đầu thế giới về dòng sách tham khảo có minh họa, vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền và dịch, xuất bản tại Việt Nam.
Bìa cuốn sách. Ảnh: VH
Xuyên suốt hơn 300 trang sách là hệ thống hình ảnh và tư liệu đồ sộ, cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh, hiện hữu dễ nắm bắt được lịch sử thế giới từ thời tiền sử đến thế kỉ 21. Cuốn sách bao gồm 8 chương: Thời tiền sử, Biên niên sử thời cổ đại, Văn minh lên nhiều, Thời trung đại lạ kỳ, Khám phá và cải cách, Thời đại đổi thay, Các đế quốc và các cuộc thế chiến, Tiến nhanh về phía trước.
Bằng vô số hình ảnh và cách lý giải dễ hiểu, súc tích, ngắn gọn, cuốn sách kể lại cuộc hành trình xuyên suốt lịch sử, quá khứ hiện ra sống động, dù đó là công cụ thô sơ từ thời tiền sử hay công nghệ kỹ thuật số trong những năm gần đây.
Tại buổi giao lưu giới thiệu sách, đông đảo học sinh đã cùng trao đổi với thầy giáo Nguyễn Quốc Vương - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách về giáo dục lịch sử. Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương cho rằng, “Biên niên sử thế giới bằng hình” gợi mở một cách học sử thú vị bổ sung vào cách học truyền thống hiện nay với mong muốn góp phần kích thích sự tự học, tự tìm hiểu và khiến các em yêu thích môn Lịch sử nhiều hơn nữa. Cuốn sách vừa giống như một cuốn sách giáo khoa vừa giống như một cuốn từ điển để tra cứu. Bởi thế, không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông nên tìm đọc.