NSƯT Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Tam Nông, Phú Thọ, là một trong những nghệ sĩ được yêu mến bởi sự giản dị, chân chất. Trong suốt quãng thời gian hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã tham gia rất nhiều hoạt động như: diễn tuồng, đóng phim, làm MC truyền hình…
Ông bén duyên với nghiệp diễn từ năm 1973 khi bắt đầu theo học Trường đào tạo sân khấu ở Hà Nội. Sau bốn năm học, ông ra trường và về Đoàn Tuồng Bắc (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam). Ông từng là trưởng đoàn nghệ thuật 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam, trước khi chính thức nghỉ hưu vào đầu năm 2016.
Hình ảnh của NSƯT Hán Văn Tình trên sân khấu tuồng. (Ảnh: TL/dantri.com.vn)
Lúc sinh thời, khi chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với nghệ thuật sân khấu tuồng, NSƯT Hán Văn Tình cho biết: Khi còn sống ở quê ông thường hay nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong số các chương trình phát thanh trên đài, ông cảm thấy hứng thú và yêu thích nghệ thuật tuồng. Thế rồi vào những năm 1970 - 1971, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc thì Đoàn Tuồng Bắc buộc phải sơ tán lên khu vực Tam Nông - Phú Thọ. Do yêu thích tuồng nên khi Đoàn Tuồng Bắc tổ chức tuyển sinh, ông cũng ứng tuyển và may mắn được nhận vào học.
Theo NSND Tiến Thọ, khi NSƯT Hán Văn Tình được phân về Đoàn Tuồng Bắc Trung ương, ông đang đảm nhận vai trò Trưởng đoàn, sau lên Phó Giám đốc và Giám đốc. Thời điểm đầu, khi tham gia biểu diễn trên sân khấu tuồng, NSƯT Hán Văn Tình không vào những vai hài mà chủ yếu vào những vai phản diện. Nam nghệ sĩ đã cố gắng tạo ra những tính cách phản diện rất đặc trưng của nghệ thuật sân khấu tuồng.
14 tuổi, khi đó mới học lớp bảy, từ làng Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ, một mình khăn gói lên Hà Nội học, sau khi tốt nghiệp, NSƯT Hán Văn Tình về làm tại Nhà hát Tuồng Việt Nam cho đến khi về hưu. Nghệ thuật tuồng từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, cùng với những loại hình nghệ thuật truyền thống khác như ca trù, chèo, cải lương…, tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Rõ ràng, để tìm hướng bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật tuồng, những người làm công tác bảo tồn cũng như những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật tuồng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong những câu chuyện khi còn sống, ông luôn bày tỏ trăn trở về việc gìn giữ, phát triển sân khấu tuồng giữa bối cảnh hiện nay.
Với nghệ thuật tuồng, NSƯT Hán Văn Tình ghi dấu ấn với các vai diễn phản diện, tiêu biểu như vai diễn trong vở tuồng “Đề Thám”. Nghệ sĩ Hán Văn Tình từng đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá: Huy chương Bạc vai Lý Đại Hỷ trong vở tuồng "Hoàng hôn đen", Huy chương Bạc vai Ngự Y trong vở tuồng "Tiếng thét giữa Hoàng cung", Huy chương Bạc vai Sứ Nguyên trong vở tuồng "Trần Hưng Đạo", Huy chương Bạc vai Thổ Công trong vở tuồng "Bạch Tinh". Ông đã được tặng thưởng huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam" do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng.
Tuy xuất thân là một nghệ sĩ ưu tú của sân khấu tuồng, song nghệ sĩ Hán Văn Tình lại được khán giả biết đến nhiều hơn với các vai diễn ấn tượng trong điện ảnh, nhất là hình ảnh người nông dân. Năm 2002, khi bộ phim "Đất và người" phát trên sóng truyền hình, cái tên Chu Văn Quềnh ngay lập tức trở thành “cơn sốt". Dù vào vai một anh nông dân nghiện rượu và hành động theo quán tính nhưng nhờ lối diễn xuất nhập vai chân chất, mộc mạc, hài hước khiến nghệ sĩ Hán Văn Tình được khán giả vô cùng yêu thích.
Tiếp đó là vai ông chủ trọ trong phim "Phía trước là bầu trời". Vai diễn ông chủ trọ khó tính, bủn xỉn đã in sâu trong tâm trí khán giả Việt. Ngoài các bộ phim truyền hình, nghệ sĩ Hán Văn Tình từng tham gia diễn xuất trong một vài bộ phim điện ảnh như vai Lão Trọc trong "Canh bạc" hay Vàng Đọ trong "Vụ ép phe Đông Dương". Ngoại hình, đôi mắt và đặc biệt là thần thái khi diễn xuất của Hán Văn Tình luôn khiến khán giả dễ dàng nhớ đến dù ông chưa từng được thủ vai chính trong phim truyện nhựa.
Dẫu biết sinh – lão – bệnh – tử ai cũng phải đến, song sự ra đi của NSƯT Hán Văn Tình vẫn khiến khán giả, bạn bè, đồng nghiệp không khỏi tiếc thương. Khán giả sẽ không bao giờ quên NSƯT Hán Văn Tình - người đã sống và dâng hiến cho nghệ thuật tình yêu của ông cho đến hơi thở cuối cùng./.