(ĐCSVN) - Hơn 40 năm trước, nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm, diễn viên Đoàn dân ca quan họ được đạo diễn Trần Vũ chọn vào vai “Hai Chi”, cùng với diễn viên Như Quỳnh vai “Cô Nết” trong phim "Đến hẹn lại lên".
|
Nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm (đứng giữa) và các nghệ sỹ Lệ Ngải, Minh Phức trên ảnh bìa album La Rằng. |
Với lối diễn xuất sâu lắng, nội tâm, hóa thân vào nhân vật bằng cảm xúc gan ruột, hai nhân vật chính trong phim đã chiếm được cảm tình, gây xúc động mạnh mẽ với khán giả màn ảnh rộng.
Số phận gian nan, lận đận của “Hai Chi” trong "Đến hẹn lại lên" như vận vào đường đời của nghệ sỹ Tự Lẫm. Nhưng tâm hồn liền anh quan họ vẫn luôn dành một cõi thiêng với quan họ, vợ chồng anh vẫn một lòng thủy chung, tha thiết với những làn điệu quan họ cổ.
Vợ chồng nghệ sỹ Tự Lẫm và Minh Phức hiện đang trú tại “phố nghệ sĩ”, nơi vốn là khu tập thể của Đoàn dân ca quan họ (nay là Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh). Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được UBND tỉnh Hà Bắc phân công phụ trách khối văn hóa - xã hội nên quen biết anh và nhiều nghệ sỹ Đoàn dân ca quan họ. Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, hai vợ chồng nghệ sỹ Tự Lẫm và Minh Phức vui vẻ dẹp hết công việc để tiếp đón tôi, mặc dù gia đình đang bận rộn với việc sửa nhà. Anh trải tạm chiếc bạt nilon giữa căn nhà bề bộn những đồ đạc, câu chuyện giữa chủ và khách thân mật như những người thân lâu ngày gặp lại.
Anh “Hai Chi” năm xưa giờ đã là một người đàn ông từng trải, phong trần. Vợ anh – nghệ sĩ Minh Phức sinh ra trong làng quan họ cổ Ngang Nội, cũng là một “liền chị” quan họ nổi tiếng một thời với giọng ca ngọt ngào, đằm thắm, nay đã hơn 60 tuổi nhưng dáng vẻ vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.
|
Nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm trong vai Hai Chi, phim "Đến hẹn lại lên".
|
“Đến hẹn lại lên’’ là một tác phẩm nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước, là câu chuyện cảm động xoay quanh số phận người con gái miền quê quan họ (cô Nết) trong bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Nhắc đến bộ phim "Đến hẹn lại lên", nghệ sỹ Tự Lẫm bồi hồi, xúc động, như thả hồn về một thuở xa xăm. Thấm thoát đã hơn 40 năm có lẻ. Năm ấy anh 22 tuổi, được chọn đóng phim đúng thời điểm hoàng kim của Đoàn dân ca quan họ. Anh cùng các diễn viên trong đoàn lặn lội đến các trận địa pháo cao xạ, đàn, hát động viên bộ đội và dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ bắn máy bay Mỹ; đến tận các làng, bản xa xôi heo hút miền núi của tỉnh Hà Bắc phục vụ nhân dân…, vừa biểu diễn, vừa đóng phim. Anh bảo làm việc như vậy lẽ ra phải ăn hai lương vì anh đã kí hợp đồng làm phim với xưởng Phim truyện Việt Nam. Anh hóm hỉnh cười khi tôi hỏi cát xê: Nếu nói tiền cát xê chắc anh sẽ thấy giật mình đấy. Mỗi ngày đóng phim được bồi dưỡng 1 đồng (giá một bát phở lúc đó là 6 hào). Cả năm đi đóng phim quy ra được gần tạ thóc.
Mặc dù Tự Lẫm chưa qua trường lớp sân khấu điện ảnh nào nhưng khi đóng phim anh đã hóa thân là một chàng trai thôn quê vùng châu thổ sông Hồng với lòng yêu nước nồng nàn, dấn thân cho lý tưởng cao đẹp. Anh thổ lộ: “Tôi vừa tham gia đóng phim vừa phải đi diễn cùng Đoàn quan họ, nên ít gặp Như Quỳnh. Tôi chỉ đến đoàn làm phim khi đạo diễn yêu cầu, nhưng do hiểu được vai diễn, tôi đã nhập vào nhân vật với cảm xúc chân thực”. Có một thời, đi đâu mọi người đều nhận ra, gọi anh với tên gọi trìu mến “anh Hai Chi - chồng cô Nết”.
Số phận trắc trở của Hai Chi trong Đến hẹn lại lên như vận vào đường đời của nghệ sỹ Tự Lẫm. Như Quỳnh sau vai "cô Nết" ngày càng nổi tiếng, được phong tặng danh hiệu NSND đã lâu, còn "Hai Chi" vẫn gắn bó với làng quê, áo the khăn xếp, chung thủy với những làn điệu quan họ nặng nghĩa, nặng tình. Anh tâm sự: Với tôi, điện ảnh là một sự tình cờ hay nói là may mắn cũng được. Sau vai diễn này tôi vẫn là một nghệ sĩ quan họ, hoạt động trong Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc bởi vì tôi nghĩ mỗi người có một đam mê riêng, với tôi đam mê lớn nhất là dân ca quan họ.
Tôi ướm lời :
- Giêng hai, mùa lễ hội của Bắc Ninh - Kinh Bắc, tôi và bạn bè muốn thưởng thức giọng ca quan họ của anh chị được không?
- Rất sẵn lòng mời bạn bè đến uống rượu, ca hát, dù cho cuộc đời ngày mai có thế nào cũng không thể bỏ được quan họ.
Trải qua gần một đời cống hiến cho nghệ thuật với bao thăng trầm, nghệ sĩ Tự Lẫm vẫn giữ được cốt cách của liền anh quan họ, thủy chung, mực thước với những lời ca cổ...
|
Nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm và tác giả. |
Cơm áo không đùa với “nghệ sỹ”! Vợ chồng “anh hai” “chị hai” nức tiếng một thời, có lúc đành đem giọng hát của mình vào chầu văn, hát xẩm để nguôi ngoai nỗi khát khao với “nghiệp” và để… kiếm sống, nhưng vợ chồng anh vẫn dành một cõi thiêng với quan họ. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, Vũ Tự Lẫm quyết không dùng quan họ làm phương tiện thương mại, quan họ phải là văn hóa sang trọng. Nhiều năm qua, nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm và các nghệ sỹ gạo cội của Đoàn dân ca quan họ đang sống ở “phố nghệ sỹ” vẫn say sưa trong các canh hát quan họ phục vụ bạn bè và du khách trong dịp đầu xuân; tham gia truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ. Họ đã cùng nhau dựng và phát hành album La Rằng, một giọng hát đặc biệt quan trọng chi phối toàn bộ nghệ thuật diễn xướng của một canh hát quan họ cổ.
Tôi nhìn Vũ Tự Lẫm hôm nay mà nhớ về anh Hai Chi xưa, tâm hồn liền anh quan họ vẫn thấm đẫm tình người Kinh Bắc. Vừa qua nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập danh sách đề nghị Nhà nước phong danh hiệu NSƯT, tuy hơi muộn mằn, nhưng đó là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của nghệ sĩ Tự Lẫm, người đã âm thầm góp phần giữ gìn một cõi thiêng cho di sản quan họ; một con người chỉ biết lấy sự quý mến, ngưỡng vọng của công chúng làm tấm huy chương cao quý cho mình./.