Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 đã bế mạc tại nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) tối 23/11.
|
Các nghệ sĩ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu trình diễn vở "Đào Duy Từ". Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm -TTXVN |
Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (tiền thân là hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 năm một lần. Năm nay, cuộc thi có sự tham gia của 27 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sân khấu trên toàn quốc, trong đó có 7 đơn vị xã hội hóa, mang đến 33 vở diễn, bắt đầu trình diễn từ ngày 6 - 23/11.
Kết thúc cuộc thi, từ 33 vở diễn tham gia, Ban tổ chức đã chọn ra 13 vở xuất sắc để trao 5 huy chương vàng và 8 huy chương bạc. Đối với giải cá nhân, có 57 diễn viên đoạt huy chương vàng và 80 diễn viên đoạt huy chương bạc. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao một giải do Hội đồng giám khảo lựa chọn. Tác giả Hoàng Song Việt nhận giải tác giả chuyển thể xuất sắc nhất và họa sĩ Trần Hồng Vân nhận giải họa sĩ xuất sắc.
5 vở diễn đoạt huy chương vàng gồm: vở "Tình sử hai vương triều" của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, "Yêu là thoát tội" của Nhà hát cải lương Hà Nội, "Dòng xoáy" của Đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau), "Vua thánh triều Lê" của Nhà hát cải lương Việt Nam và "Chiến binh" của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng tặng Bằng khen cho 27 tập thể đã tích cực tham gia cuộc thi.
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi đánh giá: Qua hơn nửa tháng tranh tài, cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 đã thành công tốt đẹp. Mỗi vở diễn tham gia cuộc thi đã thể hiện rõ những sắc thái, diện mạo riêng. Dù là vở hiện đại, dã sử, lịch sử hay dân gian nhưng tất cả đều mang hơi thở của cuộc sống hiện đại; phản ánh kịp thời những gương người tốt việc tốt, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, những vấn đề đang bức xúc trong đời sống xã hội. Cuộc thi như một ngày hội lớn, là nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của bạn bè, đồng nghiệp cùng nhau gìn giữ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, tại cuộc thi lần này vẫn còn khá nhiều vở diễn sử dụng những kịch bản cũ hoặc đã dự thi ở các giải khác. Đội ngũ sáng tạo trẻ chưa có cơ hội thể hiện được năng lực của mình.
Để sân khấu cải lương ngày càng phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả của các cuộc thi sân khấu cải lương nói riêng và các cuộc thi liên hoan sân khấu chuyên nghiệp nói chung, Thứ trưởng Vương Duy Biên đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng các ngành chức năng liên quan cần chủ động đổi mới cách thức tổ chức, chú trọng bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có trình độ về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp và lòng yêu nước nhằm nâng cao chất lượng trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng các tác phẩm mới, có chất lượng cao, gắn truyền thống với hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ./.