Báo động vấn nạn tranh giả

Thứ tư, 10/08/2016 19:12
(ĐCSVN) – Tranh giả đã trở thành vấn nạn trong những năm qua, nhưng có lẽ vụ việc 17 bức tranh giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động của thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Triển lãm toàn tranh giả, tranh mạo danh

Những ngày qua, giới mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật hết sức bất bình trước vụ việc 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được Hội đồng thẩm định kết luận là tranh giả, tranh mạo danh. Triển lãm này diễn ra từ ngày 10-21/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung. Triển lãm giới thiệu 17 bức tranh, được cho là tác phẩm của của bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) cùng các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng khác như: Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ… đã được cất giữ ở Pháp nhiều năm nay. 17 tác phẩm này được ông Vũ Xuân Chung mua từ ông Jean François Hubert (một chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam) tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong, mỗi bức tranh ông Chung mua đều có giấy xác nhận của ông J. F. Hubert.

Bức "Trừu tượng" với chữ ký Tạ Tỵ 52 được trưng bày  trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”.
(Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Tuy nhiên, sau đó các các họa sĩ và công chúng đến thưởng lãm cho rằng những bức tranh được trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh không phải là nguyên gốc. Sự việc lên đến đỉnh điểm, khi họa sĩ Thành Chương đến xem triển lãm. Ông bàng hoàng khi thấy bức sơn dầu “Trừu tượng” với chữ ký “Tạ Tỵ 52” (vẽ năm 1952) ở góc trái. Theo họa sĩ Thành Chương, đó chính là tranh do ông vẽ vào khoảng năm 1970 - 1971, thể hiện chân dung nữ họa sĩ Kim Anh, một người bạn thân của mình. Họa sĩ Thành Chương khẳng định, ông chính là tác giả đích thực và duy nhất của bức tranh, chứ không phải của họa sĩ Tạ Tỵ như hiện trên bức tranh; tên bức tranh do họa sĩ Thành Chương đặt là “Chân dung cô Kim Anh”, chứ không phải là “Trừu tượng”. Đồng thời ông cũng khẳng định tên tác giả “Tạ Tỵ 52” trên bức tranh có tên là “Trừu tượng” hiện nay là giả mạo.

Ngay sau đó, đã diễn ra một cuộc họp Hội đồng thẩm định gồm nhiều thành viên, trong đó có các nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật cùng các họa sỹ có tên tuổi và uy tín hàng đầu của Việt Nam. Hội đồng đã kết luận, trong 17 bức tranh, có 15 bức tranh không phải do các họa sĩ có tên thực hiện; 2 bức tranh là mạo danh, nên đã quyết định lập biên bản đề nghị tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh để gửi đến các cơ quan thẩm quyền điều tra xử lý hành vi vi phạm làm tranh giả và mạo tên tác giả theo quy định của pháp luật.

Cần quyết liệt hơn với nạn tranh giả

Bấy lâu nay, tranh giả đã trở thành vấn nạn chung của nền mỹ thuật, trong đó có mỹ thuật Việt Nam. Nạn tranh giả đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước với việc sao chép tác phẩm của những họa sĩ tên tuổi. Thậm chí, hiện nay một số họa sĩ trẻ cũng bị làm giả tranh một cách nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các nghệ sĩ lao động một cách chân chính. Vụ việc trưng bày 17 bức tranh giả, tranh mạo danh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại bảo tàng mỹ thuật mang tầm cỡ quốc gia như giọt nước tràn ly, gióng lên hồi chuông khẩn thiết cần phải có giải pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh những bất cập, yếu kém của thị trường mỹ thuật nước nhà. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc thẩm định tranh thật, tranh giả cũng không hề dễ dàng bởi hiện nay Việt Nam chưa có một trung tâm kiểm định mỹ thuật nào, trong khi đó, hầu hết các họa sĩ không đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Cách đây hơn chục năm, theo đề xuất của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trung tâm Giám định và đấu giá tác phẩm đã được thành lập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, đơn vị này gần như không hoạt động được vì xã hội không có nhu cầu thẩm định, bởi vậy trung tâm đã sáp nhập vào một đơn vị khác của Bảo tàng. “Có lẽ, lúc đó, người ta chưa nhận thức được sự cần thiết của nó” – ông Vi Kiến Thành khẳng định.

Cuộc chiến chống lại nạn tranh giả không dễ dàng chấm dứt, để đối mặt với nó, nhiều chuyên gia về mỹ thuật đề xuất, các họa sĩ cần chủ động đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, ngành mỹ thuật cũng cần triển khai ngay các chính sách, quy định quản lý thuế đối với cá nhân họa sĩ và nhà sưu tập trực tiếp tham gia hoạt động mua bán tác phẩm. Đồng thời, khẩn trương thành lập 3 trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật tại 3 miền Bắc – Trung – Nam nhằm giám định chất lượng tác phẩm cho bảo tàng, cho các triển lãm và hoạt động mỹ thuật của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.

Trước sự việc những bức tranh làm giả, được trưng bày trắng trợn tại một bảo tàng mỹ thuật tên tuổi, mới đây, họa sĩ Thành Chương đã quyết định làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về hành vi có dấu hiệu làm hàng giả, xâm hại bản quyền tác giả. Gia đình cố họa sĩ Tạ Tỵ cũng đã chính thức làm đơn khởi kiện gửi lên tòa án Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, trong đơn kiện, gia đình cố họa sĩ Tạ Tỵ yêu cầu ông Vũ Xuân Chung phải xóa tên họa sĩ Tạ Tỵ ra khỏi bức tranh đặt tên “Trừu tượng” vì bức tranh này không phải do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ, đồng thời công khai xin lỗi gia đình và vong linh họa sĩ Tạ Tỵ. Còn dư luận đang nóng lòng theo dõi diễn biến vụ việc bởi đây sẽ là vụ xử lý về tranh giả đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, vốn đã lộn xộn suốt mấy thập kỷ qua./.

VH
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực