“Báu vật” của làng sơn mài Hạ Thái

Thứ hai, 19/09/2016 21:11
(ĐCSVN) - Nghệ nhân Vũ Huy Mến được đông đảo bà con làng nghề sơn mài Hạ Thái tự hào, nể trọng. Ông chính là “báu vật” hiếm hoi của làng sơn mài truyền thống Hạ Thái hôm nay.

Quả thật mài mà như vẽ, cần lắm nhưng cũng khó lắm mới có được một đôi bàn tay tinh tế đến như vậy!

Làng sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Hiện làng có 103 hộ làm nghề sơn mài, nhưng hầu như tất cả các dòng sản phẩm từ nhiều năm trở lại đây đều được sản xuất bằng chất liệu sơn mới với quy trình sản xuất được cải tiến, thay đổi rõ rệt so với trước đây. 

Trăn trở và tiếc nuối trước nguy cơ lụi tàn của sơn mài truyền thống, có một nghệ nhân làng Hạ Thái vẫn âm thầm giữ lại cho mình dòng sản phẩm sơn mài truyền thống của các bậc tiền nhân để lại - đó là nghệ nhân Vũ Huy Mến. Ông tâm niệm: Làm sơn mài truyền thống trước hết là để cho mình, sau là để bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống cho muôn đời sau.

Dựa vào hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng làm bằng sơn mài được thờ trong đình làng Hạ Thái vào năm 1780, mà chúng ta biết được lịch sử làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái có từ cách đây hơn 200 năm. Ban đầu, nghề sơn mài ra đời chủ yếu là để phục vụ cho cung đình phủ chúa với hoành phi câu đối và các vật dụng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của gia đình quyền quý như: tráp, khay, đĩa, guốc…Sơn mài từ chỗ chỉ làm trên tre, gỗ, giấy bồi với dòng sơn mài vẽ, cho đến nay đã phát triển lên đỉnh cao rực rỡ với các dòng sơn mài khảm, sơn mài đồ nét, sơn mài khắc, sơn mài đắp… được sáng tạo trên nhiều chất liệu như: sừng, vỏ trứng, nhựa, gốm…, nhưng điều làm nên nét độc đáo và vượt trội của sơn mài truyền thống Hạ Thái so với các dòng sản phẩm sơn mài khác trong nước cũng như của các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…chính là chất liệu sơn ta.

Sơn ta được làm từ cây sơn tự nhiên chỉ có ở vùng miền núi trung du Phú Thọ. Do nhựa sơn đổi màu rất nhanh khi gặp phải chất chứa sắt, nên dụng cụ dùng để cắt nhựa sơn cũng phải chuẩn bị kỹ càng, đó là dao thủy tinh, hoặc vỏ trai. Thùng đựng sơn cũng được làm bằng tre, gỗ. Nhựa sơn sau khi lấy từ cây chứa vào thùng, được để nuôi ít nhất 5 – 6 tháng cho tới khi sơn chuyển hóa thành từng lớp nổi lên trên, phần nước lắng đọng xuống dưới. Sau đó, sơn được lấy ra trộn lẫn với dầu trẩu hoặc nhựa thông và đánh bằng cách quấy đều, nhanh (tốc độ 60 vòng/phút) cho đến khi sơn dẻo đặc hay còn gọi là sơn chín, mất khoảng 4 ngày. 

Thông thường, mỗi sản phẩm truyền thống của làng sơn mài Hạ Thái được phủ từ 5 đến hơn chục lớp sơn, rồi dùng đá giáp để mài thô, đá gan gà mài mịn và cuối cùng là người thợ dùng chính đôi bàn tay của mình xoa đi, xoa lại bột than gỗ xoan nhiều lần cho đến khi sản phẩm dần bóng, đẹp hẳn lên.

Với ưu điểm ưa độ ẩm, mềm bóng, độ bám cao, bền, màu sắc tươi sâu thẳm, sản phẩm sơn mài truyền thống Hạ Thái luôn có chỗ đứng trang trọng trong trái tim yêu mến của du khách trong nước và quốc tế.

Chính từ khâu làm ra chất liệu sơn ta cũng như quy trình chế tác ra các sản phẩm sơn mài truyền thống Hạ Thái rất đỗi nhọc nhằn và công phu, nên sau khi nước nhà thống nhất và đặc biệt là từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, dòng sản phẩm truyền thống sơn mài Hạ Thái theo tháng năm cũng dần mai một. Thay vào đó là dòng sơn mài được sản xuất theo lối công nghiệp có ưu thế về thời gian làm ra mỗi sản phẩm rất ngắn, các công đoạn chế tác trở nên đơn giản và dễ làm hơn.

Sau hơn 20 năm bươn chải mưu sinh trong cơ chế thị trường bằng các dòng sơn mài cải tiến,nghệ nhân Vũ Huy Mến càng thêm hiểu, thêm quý trọng dòng sản phẩm sơn mài truyền thống, bởi cái chất tinh tế, hào hoa cùng vẻ đẹp tươi tắn, rạng ngời nhưng cũng rất sâu lắng.

Mấy năm nay, ông Mến dành tâm sức của mình truyền dạy cách làm sơn mài theo lối cổ truyền với chất liệu sơn ta cho  8 người con và cháu, cho dù cả gia đình ông đều biết sơn mài truyền thống đã đuối sức cạnh tranh trên thị trường.

Là thành viên Hội sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái, ông Mến được giao nhiệm vụ bảo tồn, khôi phục dòng sản phẩm sơn mài truyền thống độc đáo của làng lại cho lớp trẻ, song trong ông luôn canh cánh một nỗi âu lo: có thầy mà chưa tìm đâu ra trò… Với ông, khôi phục lại sơn mài truyền thống cũng chính là bảo tồn bản sắc văn hóa.

Ông Mến bên những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Với kiến thức và kinh nghiệm 6 năm vừa làm, vừa được đào tạo cơ bản tại trường mỹ thuật Hà Tây (1966 – 1972), 20 năm trở về làng làm việc tại HTX sơn mài Bình Minh dưới thời bao cấp, cùng hàng chục năm làm sơn mài cải tiến đáp ứng cơ chế thị trường, đến nay, ở tuổi 69, nghệ nhân Vũ Huy Mến là người hiếm hoi (nếu không nói là người duy nhất) ở làng sơn mài Hạ Thái không chỉ sản xuất dòng sản phẩm sơn mài theo lối cổ với chất liệu sơn ta truyền thống mà còn là người có bàn tay tài hoa đưa những sản phẩm sơn mài truyền thống trở thành tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. 

Dòng sản phẩm sơn mài vẽ với bốn tiêu chí “nhất dáng, nhì men, tam chàm, tứ vẽ” được coi là thành tựu nổi bật của sơn mài truyền thống Hạ Thái, là nơi để khẳng định ngôi, bậc của cánh thợ trong làng. Cả bốn tiêu chí ấy đều hội tụ và đạt tới đỉnh cao bởi đôi bàn tay của nghệ nhân Vũ Huy Mến.

Mặc dù bận với công việc mưu sinh, song năm nào, ông cũng dành thời gian sáng tác đôi ba bức tranh nghệ thuật sơn mài truyền thống. Tất cả mọi công đoạn đều do ông đảm nhiệm, kể cả hai công đoạn khó nhất mà rất ít người trong làng có thể làm tốt được là vẽ nghệ thuật và mài.

Trên giường, gầm tủ và mọi ngóc ngách trong căn nhà nhỏ cấp bốn được gia đình ông dùng làm xưởng sản xuất, chỗ nào cũng bày la liệt đủ loại sản phẩm sơn mài cải tiến phục vụ cho xuất khẩu và đặt hàng lưu niệm tại các khu phố cổ. Tuy nhà nhỏ, nhưng ông vẫn dành riêng một chỗ để làm buồng ủ cho dòng tranh sơn mài truyền thống, bởi buồng ủ là khâu không thể thiếu trong chế tác sơn mài truyền thống. Sản phẩm sau mỗi nước sơn đều được đưa vào buồng ủ, lấy độ ẩm tự nhiên từ 10 – 24 giờ, làm cho sơn bám đều, bền và sáng đẹp. 

Lấy một thùng nước và bức tranh đã ủ xong ra mài, từng đường nét đặc trưng của dòng tranh sơn mài truyền thống với màu vàng cánh gián của những chiếc thuyền đang thong thả êm đềm neo trên vịnh, màu cam tầng tầng lớp lớp của bầu trời đang buổi bình minh và màu xanh thẳm của biển trong bức “Hạ Long”… thật sống động, lung linh sắc màu…cứ thế dần dần hiện ra.

Say mê nhìn theo bàn tay nhẹ lướt trên bức tranh tựa như trên phím đàn, rồi lại tưới nước, lại mơ màng ngắm nhìn của ông, mới thấy hết cái công phu, cái độc đáo của tranh sơn mài. Quả thật mài mà như vẽ, cần lắm nhưng cũng khó lắm mới có được một đôi bàn tay tinh tế, một cảm quan mỹ thuật như ông.

Trong làng nghề, phòng trưng bày của ông không phải là đồ sộ nhất, nhưng lại là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật sơn mài truyền thống nhất do chính tay ông phóng tác. Ở đây, gần 40 tác phẩm sơn mài đỉnh cao của ông về khung cảnh đồng quê rộn ràng, phố xưa trầm mặc, chợ quê tấp nập…đều được tái hiện thật sinh động, tinh tế và sâu lắng. Bởi vậy, phòng trưng bày của ông luôn là nơi đông đảo du khách muốn dừng chân nhất.

Phong cách giản dị, nhiệt huyết, tận tụy với nghề, luôn mong muốn gìn giữ, lưu truyền nghề lại cho các thế hệ mai sau và đặc biệt là đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Vũ Huy Mến được đông đảo bà con làng nghề tự hào, nể trọng. Ông chính là “báu vật” của làng sơn mài truyền thống Hạ Thái hôm nay./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực