Bế mạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016

Thứ ba, 30/08/2016 17:43
(ĐCSVN) - Tối 29/8, tại TP Đà Nẵng, cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 đã khép lại đầy ấn tượng, trong niềm vui và sự xúc động của những người làm nghệ thuật truyền thống.

Diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 20/8 đến 29/8), cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc quy tụ gần 400 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc với 17 vở diễn, trong đó có 10 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch. Tại đây, các tác phẩm đã làm nổi bật chủ đề chính của cả hai loại hình nghệ thuật là câu chuyện lịch sử. Bên cạnh đó, đề tài chiến tranh, cách mạng cũng được các đoàn nghệ thuật làm mới dưới nhiều góc độ, lồng ghép với yếu tố hiện tại mang đến hơi thở đương đại, gần gũi…

 Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc nhất tại cuộc thi. (Ảnh: KS)

Phát biểu đánh giá chất lượng cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng giám khảo PGS.TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh: Trải qua 9 đêm diễn với 17 tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật và nhân văn, cuộc thi đã đem đến cho người xem những khung bậc cảm xúc khó quên của loại hình sân khấu tuồng và dân ca kịch. Các nghệ sỹ đã mang đến sân khấu tình yêu nghề nồng cháy, những sáng tạo tuyệt vời để làm cho các vở diễn sinh động, hấp dẫn lôi cuốn người xem. Các vở diễn đã được thể hiện một cách nghiêm túc, chân thành và minh bạch về tư tưởng, rõ ràng về câu chuyện, trong sáng về hình thức và đậm chất nhân văn. Đặc biệt, trong cuộc thi lần này đã xuất hiện điểm mới trong hình thức của kịch dân ca, đó là kịch dân ca hòa hợp với ca, múa, nhạc hiện đại. Đây được coi là những nỗ lực rất lớn của đội ngũ nghệ sỹ trẻ nhằm làm mới và tăng thêm sức thu hút của loại hình dân ca truyền thống.

Về nội dung, các tác phẩm tham dự đã được các đơn vị đầu tư, dàn dựng công phu, có tư tưởng rõ ràng, phản ánh tinh thần bất khuất của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước; ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới của đất nước. Bên cạnh đó, dù là nghệ thuật tuồng hay dân ca kịch, các tác phẩm dự thi đều theo kết cấu tự sự hoặc thắt nút, cao trào; nhiều vở diễn có tính sáng tạo, diễn viên hóa thân hoàn toàn vào nhân vật… Vì thế, hầu hết các vở diễn đạt chất lượng cao, mang đậm tính nhân văn, tính thời sự, phản ánh đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, nhiều vở diễn bộc lộ một số hạn chế như: yếu về hình tượng, tính cách nhân vật; đa phần kịch bản mang kết cấu tự sự nhưng mờ nhạt về tự sự truyền thống, chủ yếu minh họa nhân vật, câu chuyện được kể theo lối tự sự kịch nói phương Tây…


Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho các cá nhân xuất sắc tại cuộc thi. (Ảnh: KS)

Kết quả, Ban tổ chức quyết định trao 3 Huy chương Vàng cho các vở: Thầy và trò (Trung tâm  Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Nước non cửa Phật (Nhà hát tuồng Đào Tấn), Chuyện bịa ở làng Vồm (Nhà hát tuồng Việt Nam); 4 Huy chương Bạc cho các vở Dòng sông Đỏ (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế), Phúc thần Thoại Ngọc Hầu (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Chuyện tình bên tháp cổ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Vụ án Lệ Chi Viên (Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế).

Về giải cá nhân, Ban tổ chức cũng đã trao 32 Huy chương Vàng và 49 Huy chương Bạc cho các diễn viên đã có phần thể hiện xuất sắc trong các tác phẩm. Ngoài ra, 30 nghệ sĩ, diễn viên cũng được nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Phát biểu bế mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như chất lượng của các tác phẩm đến từ 11 đoàn nghệ thuật đã tham gia cuộc thi. Ông Vương Duy Biên nhấn mạnh, cuộc thi là dịp để các loại hình nghệ thuật truyền thống mà cụ thể là Tuồng và Dân ca nhìn lại chặng đường phát triển thời gian qua, cũng như ghi nhận những đóng góp của đội ngũ các nghệ sỹ đang cố gắng lưu giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Qua cuộc thi này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị các đơn vị liên quan mà nóng cốt là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần có những giải pháp để vừa bảo tồn nghệ thuật truyền thống của cha ông nhưng đồng thời phải lôi cuốn khán giả, bởi công chúng chính là điều làm nên thành công của mỗi tác phẩm nghệ thuật./.

Kim Sơn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực