(ĐCSVN) – Sáng 16/9, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo 70 năm Mỹ thuật Việt Nam (1945 – 2015) với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Mỹ thuật và các nghệ sĩ tạo hình.
Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại quá trình phát triển của Mỹ thuật Việt Nam từ sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công và qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ thuật thời kỳ thống nhất đất nước, thời kỳ đổi mới và hiện nay, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã cùng nhau nhìn nhận lại các sự kiện, những đặc trưng của phát triển Mỹ thuật Việt Nam hiện đại qua 70 năm trên tất cả các lĩnh vực sáng tác (hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng và nghiên cứu lý luận phê bình Mỹ thuật), các hoạt động Mỹ thuật, công tác đào tạo Mỹ thuật, từ đó đánh giá những thành tựu và những bài học kinh nghiệm, những đề xuất cho sự phát triển Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: Cách mạng tháng Tám là bước ngoặt lịch sử của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Cuộc cách mạng với những diễn biến nhanh chóng đã cuốn hút các văn nghệ sĩ trẻ Thủ đô. Trong những giờ phút độc lập đầu tiên của Tổ quốc, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng… đã suốt đêm phác hình, bôi mầu, căng toan vẽ tranh cổ động dựng ở vườn hoa Chí Linh, quanh hồ Hoàn Kiếm, trên các ngã tư phố Tràng Tiền, trước cửa Nhà hát Lớn.
|
Toàn cảnh Hội thảo (ảnh: HN) |
Đánh giá về mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Đội ngũ các nghệ sĩ tạo hình cả nước ngày càng lớn mạnh với nhiều thế hệ và tạo nguồn cho sự phát triển đa dạng của mỹ thuật nước nhà. Theo ông, trong thời kỳ đổi mới, mỹ thuật Việt Nam đã có bước phát triển mới, tạo nên một dấu ấn của nền mỹ thuật hiện đại. Điều này thể hiện qua các triển lãm mỹ thuật, các trại sáng tác, sự đổi mới của các loại hình mỹ thuật, hình thành đội ngũ nghệ sĩ tạo hình trẻ, đa dạng các phong cách nghệ thuật. Các sáng tác mỹ thuật đã mang tính chuyên nghiệp; giá trị tác phẩm mỹ thuật đã được nâng cao; các giải thưởng mỹ thuật, thông tin mỹ thuật, quan hệ đối ngoại trong mỹ thuật… đã được nâng cao, đa dạng hơn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Mỹ thuật Việt Nam còn nhiều vấn đề tồn tại và đó là thách thức khi bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như: hoạt động mỹ thuật đang bị thị trường hóa, nhiều tác phẩm ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua, tạo nên những làn sóng sáng tác tác phẩm theo một đề tài hoặc một số lối vẽ ăn khách; việc vi phạm bản quyền tác giả càng trờ nên trầm trọng hơn; phân hóa trong lực lượng sáng tác do quan niệm, điều kiện sống, điều kiện tiếp cận với các quỹ các tổ chức trong và ngoại nước ngày càng rõ; những quy định, luật pháp quốc tế về hoạt động quảng bá, mua bán tác phẩm vẫn chưa được phổ biến và thực hiện ở Việt Nam…
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đưa ra một số đề xuất góp phần cho sự phát triển Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới. Đó là: Mỗi nghệ sỹ tạo hình Việt Nam cần phải bảo tồn gìn giữ những giá trị mỹ thuật quý báu cao đẹp mà cha anh đã tạo dựng, qua đó phát huy truyền thống cách mạng dân tộc; Gắn sáng tạo mỹ thuật với sự phát triển xã hội. Dù ở cách vẽ nào, trường phái nào… Mỹ thuật Việt Nam vẫn giữ có địch cuối cùng là đưa tác phẩm đến công chúng cảm thụ, nhận thức cái đẹp riêng có mỹ thuật của Việt Nam “đậm đà bản sắc dân tộc”; Hoạt động mỹ thuật cần gắn với du lịch, nhằm đưa các giá trị nghệ thuật tạo hình của Việt Nam trao đổi với thị trường quốc tế…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Mỹ thuật và các nghệ sĩ tạo hình cũng bày tỏ tin tưởng, với dòng chảy 70 năm nghệ thuật tạo hình Việt Nam 1945 – 2015 biến thiên cùng lịch sử đã có những thành công về sáng tạo nghệ thuật, nhiều tài năng hứa hẹn. Chúng ta có quyền hy vọng về những thành tựu lớn hơn nữa của Mỹ thuật Việt Nam trên con đường hội nhập, phát triển trong tương lai.
Trên cơ sở các tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ biên tập, xuất bản cuốn sách “70 năm mỹ thuật Việt Nam (1945-2015)” vào đầu năm 2016./.