(ĐCSVN) – Nép mình bên dòng sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, nên thơ như một bức tranh với những bờ đê theo nhau uốn lượn dưới rặng tre rì rào gió thổi, Cổ Đô - một làng quê yên bình cách Thủ đô không xa được biết đến như là một hiện tượng khá đặc biệt: “Làng họa sĩ”.
“Ông tổ nghề” gây men hội họa cho dân làng
Cho đến nay, câu chuyện “gây men” hội họa của “ông tổ nghề” cho nhiều thế hệ hậu sinh làng Cổ Đô, vẫn được người dân nơi đây nhắc mãi như một niềm tự hào. Quả thực là thế, khi những người nông dân vốn quen với cây cày, cái cuốc chân lấm tay bùn lại được một người thầy là họa sĩ hàng đầu Việt Nam – Họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt, cầm tay uốn nắn cho từng nét vẽ, trao truyền cảm hứng sáng tạo, cũng như gieo niềm say mê hội họa vào tâm hồn của họ, từ những việc làm hết sức bình dị.
Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ mỗi dịp về thăm quê, hay lúc trở về Cổ Đô vui thú điền viên cuối đời của cố họa sĩ. Khi ông cầm cọ, con cháu, đám bạn bè chúng và tụi trẻ đều háo hức túm tụm lại xem. Thấy vậy, ông liền tranh thủ chỉ bảo, cầm tay chúng uốn từng nét vẽ. Giấy vẽ là nền đất, sân gạch, bút vẽ là miếng gạch non, là cành tre đập dập. Những bức tranh đầu tiên của chúng chính là những đàn gà, chú ỉn, lũy tre, đụn rơm, bụi chuối quanh nhà...
Nhận thấy được năng khiếu cùng chất nghệ sẵn có của dân làng, năm 1976, cố họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt đã đặt nền móng cho sự phát triển mỹ thuật sau này ở nơi đây bằng cách mở lớp dạy vẽ, mở hướng cho lớp con cháu hậu sinh – đam mê vươn tới chân trời nghệ thuật. Có lẽ chặng đường trên dưới 40 năm hoạt động nghệ thuật với gia tài hơn 7.000 tác phẩm chứa đựng tinh hoa của cả một đời người họa sĩ như ông, cũng khó sánh được với việc trở thành người khơi gợi và tạo nguồn cảm hứng hội họa cho chính dân làng nơi mà ông sinh ra. Để hôm nay, vị họa sĩ đáng kính được xem như “ Ông tổ nghề” đã chắp cánh cho sự nghiệp cầm cọ của nhiều họa sĩ trong làng.
|
Anh Nguyễn Văn Nhất bên tác phẩm của cố họa sĩ Sỹ Tốt tại bảo tàng gia đình. (Ảnh: QT) |
Chuyện... “Làng họa sĩ”
Cũng chính câu chuyện lạ kì đó, đã thôi thúc chúng tôi tìm về ngôi làng cách Hà Nội không xa để hiểu kĩ hơn về những “tiếng tăm” mà dù vô tình hay hữu ý, đã lan truyền và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bảo tàng “Sỹ Tốt và Gia Đình” là nơi phóng viên ghé thăm đầu tiên. Tại đây, anh Nguyễn Văn Nhất, là cháu ruột của họa sĩ Sỹ Tốt cũng là người trực tiếp trông nom Bảo tàng đã tiếp chuyện và chia sẻ những câu chuyện đầy thú vị về ngôi làng này.
Từ chuyện một gia đình có đến 10 họa sĩ; một triển lãm với 100 bức tranh mang tên “Gia đình họa sĩ Sỹ Tốt” được tổ chức giữa lòng Thủ đô; một bảo tàng mỹ thuật của xã - nơi trưng bày các tác phẩm hội họa của làng; một câu lạc bộ mỹ thuật trên dưới 30 hội viên (trong đó có tới 11 họa sĩ là hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội VHNT Hà Tây)… đều gây ngạc nhiên lớn đối với bất kì ai khi được nghe kể. Nhưng đối với con cháu gia đình họ Nguyễn nói riêng và của làng Cổ Đô nói chung, đó là niềm tự hào, cũng là những giá trị văn hóa, nghệ thuật lớn lao mà nhiều thế hệ đã để lại tạo nên một diện mạo mới cho làng, cho xã hôm nay.
Dẫn phóng viên tham quan bảo tàng tranh, anh Nhất đồng thời cũng giới thiệu: “Bảo tàng này được gia đình mở cửa vào năm 2005, theo tâm nguyện cả đời của ông nội tôi (họa sĩ Sỹ Tốt). Từ lúc còn sống, cụ vẫn ao ước sở hữu một bảo tàng riêng, để trưng bày những tác phẩm của mình, của con cháu trong gia đình. Tròn 10 năm mở cửa, Bảo tàng lúc nào cũng nhộn nhịp người đến tham quan. Dân trong làng còn xem Bảo tàng như nhà thờ tổ nghề vậy. Ngoài việc ghé thăm để thưởng lãm các tác phẩm của cụ Tốt, họ còn bày tỏ sự ngưỡng vọng và biết ơn trước những đóng góp to lớn của ông đối với nhiều thế hệ người dân trong làng, đặc biệt là lứa học trò ngày nào giờ đã thành tài và đang cống hiến từng ngày cho quê hương đất nước”.
Ngoài câu chuyện về bảo tàng tranh khang trang được mở giữa ngôi làng nhỏ bé, phóng viên còn ghé thăm nhà ông Nguyễn Ngọc Cũi (em cụ Tốt). Tại đây, phóng viên còn được biết thêm về danh sách dài những họa sĩ, nghệ sĩ đã thành danh và hiện đang giữ những chức vụ quan trọng tại nhiều cơ quan, đoàn thể, có thể kể đến những tên tuổi như: Trần Hòa, Giang Khích, La Vuông, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai... Họ đều đã và đang có những sáng tạo nghệ thuật được giới chuyên môn đánh giá cao, cũng như đóng góp vào kho tàng mỹ thuật nước nhà bằng nhiều tác phẩm giàu giá trị.
Cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn nghệ sỹ
Làng Cổ Đô đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng và chắp cánh giấc mơ cầm cọ của biết bao thế hệ, những đứa trẻ lên ba, lên bốn sớm được tiếp xúc với môi trường hội họa, khi có nhà bảo tàng xã cũng là lớp dạy vẽ. Còn đối với những sinh viên nghệ thuật tương lai, các em may mắn luôn có sẵn những người thầy tài giỏi nhất, tận tình chỉ dạy, cũng như truyền cảm hứng học tập và sáng tác không bao giờ cạn kiệt.
Cứ thế, hội họa không chỉ là thú vui, sở thích cá nhân sau những giờ lao động miệt mài trên cánh đồng nữa, mà trở thành một nghề nghiệp thực sự. Từng thế hệ hậu sinh của làng Cổ Đô, vốn chất chứa chất nghệ sĩ từ trong tâm hồn, nay được thỏa chí học tập và sáng tạo nghệ thuật trên nền tảng mỹ thuật được cha ông tạo dựng sẵn. Để từ đó, nhiều tài năng hội họa được phát hiện, và tin chắc trong tương lai không xa, các em sẽ là những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho mỹ thuật nước nhà, cũng như truyền lại ngọn lửa đam mê cho những thế hệ tiếp bước./.