Cuốn tự truyện của người đi tìm công lý cho nạn nhân da cam ra mắt bạn đọc
Thứ sáu, 08/09/2017 09:35 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Cuốn tự truyện “Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt” của tác giả Trần Tố Nga vừa được Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu đến bạn đọc.
“Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt” được tác giả Trần Tố Nga viết trên đất Pháp, trong thời gian bà chờ đợi để lên bàn mổ vì căn bệnh ung thư. Bằng góc nhìn của người từng trải qua 2 cuộc chiến tranh, cuốn tự truyện là lời kể của bà Tố Nga về 75 năm sống, chiến đấu và sẵn sàng theo đuổi công lý cho đến cuối cuộc đời.
Tác giả Trần Tố Nga sinh ra tại Sài Gòn, là học sinh Trường Marie Curie, năm 13 tuổi ra Bắc học Trường học sinh miền Nam. 10 năm trên đất Bắc, bà đã tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa hóa. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà không chọn ra nước ngoài học tiếp mà khoác ba lô cùng bạn bè vượt Trường Sơn vào Nam để được chiến đấu cùng với mẹ.
Bìa cuốn tự truyện “Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt”. (Ảnh: NXB Trẻ) Chiến tranh đã qua đi từ lâu, ngỡ rằng hòa bình đã đến thực sự nhưng 40 năm sau chiến tranh, bà mới phát hiện mình và hai người con bị nhiễm chất độc da cam. Năm 2013, với sự giúp đỡ của các luật sư, bà Trần Tố Nga đứng đơn khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi bồi thường cho 4 triệu nạn nhân da cam Việt Nam.
Ngày 14/5/2014, tòa đại hình Evry của Pháp đã chấp nhận đơn kiện và đơn kiện được chuyển đến 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2017, bà cùng những luật sư của mình trải qua 8 phiên tòa. Trong hơn một năm, vụ việc chỉ dừng lại ở chỗ làm thủ tục, không tiến triển gì thêm. Tháng 9/2017, bà Tố Nga sẽ quay trở lại Pháp dự phiên tranh tụng thứ 9.
Và chính ngọn lửa bền bỉ đó đã luôn hun đúc trong bà ý chí để chiến đấu tiếp cho vụ kiện. Cuốn sách được ra đời cũng là một cột mốc để bà có thêm sức mạnh chuẩn bị cho phiên tranh tụng lần thứ chín vào tháng 9 này.
Bà Trần Tố Nga nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Sau năm 1975, bà từng là Hiệu trưởng trường Lê Thị Hồng Gấm, Hiệu trưởng trường Marie Curie, rồi Hiệu trưởng trường Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi về hưu, bà đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn./.
HN