Đắk Lắk: Trao giải Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên mở rộng năm 2017
Thứ hai, 13/03/2017 15:45 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đang diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk, sáng 13/3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên mở rộng năm 2017.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trao giải thưởng cho các nghệ nhân đoạt giải tại Hội thi.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã vinh danh, trao giải thưởng cho 20 nghệ nhân có tác phẩm xuất sắc, đoạt giải tại Hội thi. Trong đó, 01 giải nhất thuộc về nghệ nhân Y Ân B’Ja (dân tộc Mnông) đến từ tỉnh Đắk Nông với tác phẩm “Gấu bẻ măng”; 02 giải nhì thuộc về các nghệ nhân: Y Thái Êban (dân tộc Ê Đê) đến từ tỉnh Đắk Lắk với tác phẩm “Thầy cúng và người đàn bà phụ cúng” và Ksor Krôh (dân tộc Gia Rai) với tác phẩm “Đôi vợ chồng”.
03 giải ba được trao cho các tác phẩm: “Ông bà vác xà gạt” của nghệ nhân Ý Dhok Adrơng (dân tộc Ê Đê) đến từ Đắk Lắk, “Men say” của nghệ nhân Trần Quốc Toản (dân tộc Kinh) đến từ Lâm Đồng, “Tượng nhà mồ” của nghệ nhân Bộ Bộ Huấn (dân tộc Raglai) đến từ Khánh Hoà. Ban Tổ chức cũng trao 10 giải khuyến khích và trao giấy chứng nhận cho 8 nghệ nhân đoạt giải thưởng phụ khác...
Phát biểu tổng kết Hội thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Hội thi - ông Võ Văn Cảnh cho biết: Qua 05 ngày diễn ra (từ 8 - 12/3), với sự tham gia tích cực của 66 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ, Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên năm 2017 đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Hội thi đã góp phần tạo thành công cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Mặc dù thời gian diễn ra không dài nhưng các nghệ nhân đã tích cực, miệt mài, nỗ lực thể hiện tài năng của mình trong việc tạo hình trên gỗ. Từ những vật liệu gỗ thô sơ, mộc mạc, nhưng bằng trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, họ đã sáng tạo và thổi hồn vào “đứa con tinh thần” của mình để cho ra những tác phẩm khác nhau, có hình tượng đẹp, giá trị nghệ thuật cao; phản ánh, mô tả những nét sinh hoạt trong cuộc sống, lao động thường ngày của các tộc người Tây Nguyên, bảo đảm được yêu cầu mà Ban tổ chức đề ra.
Trưởng Ban tổ chức Hội thi cũng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Hội đồng thẩm định, chấm thi trong việc giúp Ban tổ chức phân tích, nhận xét, đánh giá, phân loại chính xác chất lượng từng tác phẩm; trên cơ sở đó trao giải đúng với chất lượng nghệ thuật tác phẩm và năng lực của mỗi tác giả tại Hội thi.
Với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ… đã cho thấy sự đam mê của các nghệ nhân nói chung và tính lan toả của Hội thi nói riêng ngày một mạnh mẽ hơn; bởi nếu như tại Hội thi lần thứ 5 (năm 2015) chỉ có 3 tỉnh Tây Nguyên với 37 tác giả tham gia thì nay tất cả 05 tỉnh Tây Nguyên đều có nghệ nhân tham dự và số lượng cũng đã tăng lên gần 70 người. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần để gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này ở Tây Nguyên./.
Tin, ảnh: Đình Tăng