Dân ca Nam Bộ: Bảo vệ môi trường sống của dân ca

Thứ sáu, 10/02/2012 15:57

 

Những giai điệu dân ca Nam bộ do Nhà hát Ca múa nhạc
dân tộc Bông Sen biểu diễn. Ảnh: A.D.

Bảo tồn và phát huy dân ca Nam Bộ, một vấn đề không quá mới nhưng luôn không cũ trong quá trình xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thổi hồn mới cho dân ca Nam Bộ

Theo GS.TS Trần Văn Khê, muốn giữ lại một điệu dân ca, người sưu tầm phải đi thực địa, điền dã chứ không phải mời nghệ nhân đến một phòng ghi âm cách xa môi trường quen thuộc của họ. Dù ghi âm, ghi hình được một cách toàn diện mà chỉ lưu trữ tư liệu ấy trong ngăn kéo, để tư liệu ấy bị phủ bởi lớp bụi của thời gian thì đó chỉ là một cách “bảo tồn tiêu cực”, tư liệu đó sẽ vẫn là tư liệu chết.

GS.TS Trần Văn Khê nhấn mạnh, cách bảo tồn tốt nhất là “bảo tồn tích cực”. Nghĩa là phải tìm cách phổ biến tư liệu đó trong quảng đại quần chúng bằng mọi phương tiện với lời giải thích ngắn gọn. Tốt hơn nữa là bảo vệ môi trường sống của dân ca, tức là đưa dân ca trở lại với hiện thực cuộc sống và thực hiện đúng chức năng của nó trong xã hội. Đồng thời tổ chức cho học sinh – sinh viên tiếp cận với dân ca, như vậy mới là “bảo tồn tích cực”.

Cũng theo GS.TS Trần Văn Khê, bảo tồn phải đi đôi với phát triển, không phải bảo tồn nguyên si những cái cổ một cách máy móc mà phải phát triển để cái cổ phù hợp với thời đại và thẩm mỹ của con người. Đối với dân ca, nên đặt lời mới theo giai điệu cũ như công việc mà các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Lê Giang… đã thực hiện nhiều năm liền.

Cũng có thể thêm những từ có nghĩa hoặc không nghĩa để làm cho cấu trúc thi ca được phong phú hơn, hoặc đặt ra một giai điệu mới trên lời cũ cho những câu vè, câu hát đồng dao để dễ nhớ, dễ thuộc hơn…

Nhạc sĩ Trương Quang Lục thì cho rằng, “kho báu” dân ca là nguồn sữa mẹ quý giá cho sự nghiệp sáng tạo âm nhạc nói chung và sáng tác ca khúc nói riêng. Nhiều nhạc sĩ đã thành công trong việc đưa âm hưởng dân ca Nam Bộ vào ca khúc của mình, như bài Bài ca may áo của Xuân Hồng dựa theo bài vè Bậu lỡ thời, bài Anh Ba Hưng của Trần Kiết Tường chịu ảnh hưởng của bài dân ca Con chim manh manh…

Hoặc lấy cảm hứng từ những điệu hò mượt mà, nhẹ nhàng, khoan thai trong dân ca Nam Bộ như: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Lên ngàn, Qua sông, Hoa Sen Tháp Mười…

Do đó, cần tìm tòi để chắt lọc chất tinh hoa, loại bỏ những nhược điểm, thổi vào dân ca hơi thở và nhịp sống mới, từ đó tạo ra những tác phẩm âm nhạc hiện đại mang đậm tính bản sắc dân tộc để phục vụ cho con người mới, xã hội mới hôm nay.

Phổ biến dân ca Nam Bộ đến thế hệ trẻ

Được sự phê duyệt của UBND TP.HCM, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Bông Sen không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục nhằm giới thiệu, phổ biến âm nhạc truyền thống đến công chúng khắp trong và ngoài nước.

NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Bông Sen cho biết, tính đến nay đã có hàng ngàn chương trình, tiết mục được Nhà hát xây dựng và biểu diễn, trong đó có rất nhiều tác phẩm dân ca, đặc biệt là dân ca Nam Bộ. Qua đó, góp phần phổ biến, bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của dân ca Nam Bộ.

GS.NS Đặng Hoành Loan cho rằng, cần đẩy mạnh sinh hoạt ca hát dân ca tại các nhà văn hóa cơ sở. Nên có nhiều chương trình ca hát dân ca định kỳ với nhiều cách tổ chức khác nhau. Xây dựng Đoàn hoặc Đội ca múa nhạc dân gian Nam Bộ để làm tiền đề xây dựng “Nhà hát Hàn lâm dân gian” sau này. Đây là cách làm để giữ lại di sản văn hóa cho muôn đời sau.

Trên quan điểm giáo dục, PGS. TS Nguyễn Xuân Tế, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM nhìn nhận, bảo tồn và phổ biến dân ca cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh tại các trường phổ thông là một việc làm thiết thực, đây cũng là cách làm hiệu quả nhất góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Để có cái phổ biến thì phải sưu tầm, hệ thống hóa và nghiên cứu các bài bản dân ca Nam Bộ.

Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy dân ca có năng lực cũng là một trong những nhân tố mang tính quyết định. TS Bá Trung Phụ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khẳng định, phải xem việc bảo tồn di sản dân ca không chỉ là để giữ gìn, bảo vệ mà đó còn là hoạt động đầu tư phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm dung hòa mục tiêu bảo tồn với nhu cầu phát triển.

Do đó, cần tăng cường xã hội hóa hoạt động tôn tạo, bảo tồn dân ca Nam Bộ tại một số làng để phục vụ du lịch. Đặc biệt là phát huy vai trò của người dân, cộng đồng với tư cách là chủ thể tham gia tích cực trong việc bảo tồn và phát huy dân ca Nam Bộ.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực