Vừa có thêm 5 Nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh. Đây là niềm vui lớn đối với không chỉ riêng những người được tôn vinh mà còn với tất cả người dân Việt Nam yêu mến văn hóa dân gian. Nhưng dễ dàng nhận thấy đằng sau niềm vui ấy vẫn còn phảng phất những nét ưu tư khi tiếp xúc với những người được phong tặng danh hiệu cao quý này.
|
Ảnh minh họa .(Nguồn: Vietnamnet). |
Đó cũng là điều khiến lãnh đạo Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đang đau đáu khi Hội đã tiến hành phong tặng danh hiệu nghệ nhân đã hơn mười năm nay (từ năm 2001), nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân vẫn đang trông chờ vào Nhà nước.
Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho những người có thành tích trong bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể. Đó là những người có vai trò sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Ca trù, Quan họ, Hát Xoan, Chầu văn…
Ngay tại lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu tối 19/9, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thừa nhận: Trước đây, ngoài phong tặng danh hiệu, Hội còn sử dụng nguồn quỹ Ford (Hoa Kỳ) để hỗ trợ cho các nghệ nhân theo cách tế nhị là mời họ về truyền dạy cho lớp trẻ, song từ sau năm 2010 nguồn tài trợ không còn việc làm này không thực hiện tiếp được. Hiện chỉ có thể phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, không còn khả năng về tài chính nên Hội chọn cách phối hợp với các đơn vị tài trợ để tiếp tục tiếp sức cho họ. Hưởng ứng việc làm ý nghĩa này, chi hội văn nghệ dân gian ở một số tỉnh, thành phố cũng đã lập được quỹ để hỗ trợ thường xuyên cho nghệ nhân, trong đó Chi hội tỉnh Gia Lai vẫn duy trì mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng cho các nghệ nhân sử thi.
Người đứng đầu Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: Những tỉnh, thành phố làm được như Gia Lai chưa nhiều và mức hỗ trợ cũng khá khiêm tốn. Phải thừa nhận rằng đến thời điểm này, các nghệ nhân dân gian vẫn chưa nhận được bất kỳ một sự đãi ngộ chính thức nào.
Mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân dân gian, bao gồm Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Theo dự thảo này, những nghệ nhân nói trên có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng (dự kiến sẽ có 3 mức trợ cấp 1,1 triệu đồng; 900 nghìn đồng và 700 nghìn đồng/người/tháng); được hỗ trợ bảo hiểm y tế, chi phí mai táng…
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến công bố vào cuối quý III năm 2015. Ước tính đến nay, trong số các nghệ nhân trên toàn quốc hiện đã và đang được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú có khoảng 560 người thuộc diện được hưởng trợ cấp khó khăn.
Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể nhằm tôn vinh những đóng góp của họ đối với cộng đồng. Song có một thực tế là để được công nhận là Nghệ nhân ưu tú hoặc Nghệ nhân nhân dân, những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gặp không ít khó khăn. Thậm chí khi đã được công nhận, họ cũng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại cộng đồng.
Lý giải điều này, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: Được phong tặng danh hiệu cấp nhà nước, ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, các nghệ nhân hầu như không nhận được những ưu đãi về vật chất mà chỉ được hưởng một khoản tiền thưởng tượng trưng đi kèm.
Chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho nghệ nhân (gồm cả Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân) có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Tuy vậy với các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do (chiếm số đông trong môi trường hoạt động di sản), những khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội vẫn chưa được xem xét.
Thống kê sơ bộ hiện cả nước có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số, 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không phải là đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Dù được tôn vinh nhưng nhiều “báu vật nhân văn sống” ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đang phải tiếp tục chật vật với cuộc mưu sinh. Thực tế đó đã khiến cả xã hội không chỉ quan tâm đến việc phong tặng danh hiệu mà còn dồn sự quan tâm đến việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với họ. Vấn đề này đã được bàn tới, bàn lui nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có cái kết hợp lý.
Trong đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần I năm 2015, có đến 70% số nghệ nhân đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”; thậm chí có những người đã qua tuổi 100 như Nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế - Lữ Hữu Thi.
Những “người giữ lửa” cho di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia giờ đã ở tuổi xế chiều, không có nhiều thời gian để đợi chờ. Trong khi đó, Việt Nam đã có gần chục di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; đang tiếp tục trình hồ sơ 2 di sản văn hóa phi vật thể lên Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc để những chính sách đãi ngộ với nghệ nhân dân gian sớm được triển khai. Có như vậy, các nghệ nhân mới yên tâm cống hiến, truyền dạy và lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian phi vật thể của dân tộc cho các thế hệ sau, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển hài hòa trong nền văn hóa giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc./.