Dành trọn tình yêu cho nghệ thuật Ca trù

Thứ sáu, 25/09/2015 19:21

(ĐCSVN) – Tối 24/9, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập. Đây là Câu lạc bộ Ca trù đầu tiên của Việt Nam được thành lập bởi đào nương, NSƯT Lê Thị Bạch Vân, người đã dành trọn tình yêu của mình cho nghệ thuật Ca trù.

Ca trù là bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của người Việt, có mặt ở nhiều tỉnh thành Bắc Trung bộ và Bắc bộ với nhiều tên gọi khác nhau: hát nhà trò, ả đào, hát nhà tơ, hát gõ, hát thẻ, hát cô đầu.. với những giai đoạn lịch sử nhất định. Lối hát này cũng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử với những không gian diễn xướng rất phong phú và đa dạng: hát cửa quyền trong cung vua những dịp đại lễ của triều đình phong kiến Việt Nam như: chúc thọ nhà vua, hoàng hậu, tiếp đãi sứ thần nước ngoài; hát cửa đình, hát ở dinh quan và nhà dân.

Nửa trước thế kỉ XIX, đây là lối chơi phong lưu tao nhã, sang trọng, quý phái, chỉ dành cho những người yêu chuộng văn chương, pha trộn giữa nhạc và thơ. Tuy nhiên, từ năm 1945, đặc biệt là sau năm 1950, lối hát dần bị mai một và thất truyền. Cho đến năm 1976, khi cuốn băng ghi lại giọng hát của bà Quách Thị Hồ và ông Đinh Khắc Ban do Giáo sư Trần Văn Khê thực hiện giành giải cao nhất tại một cuộc thi băng đĩa tại Pháp thì Ca trù mới được nhắc đến cho dù chưa nhiều.

Năm 1990, đào nương Lê Thị Bạch Vân, khi ấy là một cán bộ Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, với niềm đam mê Ca trù đã thuyết phục một số nghệ nhân, người hiểu biết, tâm huyết, họp và đề xuất sáng kiến thành lập tổ chức nghệ thuật ca trù tự nguyện. Sáng kiến của chị được sự ủng hộ nhiệt tình của các nghệ nhân: Chu Văn Du kép đàn - Phó quản ca giáo phường Khâm Thiên, Đinh Khắc Ban, Nguyễn Thị Phúc, Phó Đình Kì, Phó Thị Kim Đức và nhà nghiên cứu văn hoá Duệ Anh.

 

Đào nương, NSƯTLê Thị Bạch Vân biểu diễn Ca trù. Ảnh: HT


Năm 1991, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội chính thức ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là Câu lạc bộ Ca trù ra đời đầu tiên ở Việt Nam để giới thiệu, quảng bá giá trị nghệ thuật độc đáo này với khán giả trong nước và quốc tế. Do không có địa điểm cố định, không có kinh phí nên Câu lạc bộ đã phải di chuyển rất nhiều địa điểm là các di tích như: đình Quan Nhân, Chính Kinh (xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm); đình Ngọc Hà, đền Voi Phục - Thủ Lệ (quận Ba Đình). Năm 1993, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội chuyển về sinh hoạt định kì hàng tháng tại di tích Bích Câu đạo quán và duy trì hoạt động liên tục trong suốt 25 năm qua.

Vì tình yêu dành cho ca trù, đào nương Bạch Vân phải một mình vật lộn để lo kinh phí hoạt động, không những vậy chị còn đi đến các tỉnh thành ở Miền Bắc để tìm hiểu nghệ nhân, giáo phường và các di tích thờ cúng tổ nghề. Bản thân chị đã thuyết phục vận động rất nhiều nghệ nhân giỏi nghề mai danh ẩn tích bỏ nghề từ 30 - 70 năm của Hà Nội và nhiều tỉnh thành trở lại đàn hát, trống chầu, tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội. Nhiều nghệ nhân tên tuổi như: Phạm Thị Mùi, Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Thị Sính (Lỗ Khê, Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Thị Chúc (Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội); Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Chản (Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội); Nguyễn Văn Hạ (Quốc Oai, Hà Nội), Vũ Văn Hồng, Đỗ Thị Khuê, Vũ Văn Cốm, Nguyễn Thị Sinh (Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Thị Diện, Nguyễn Thị Kim, Ngô Trọng Bình (Thanh Hoá)... đã được thuyết phục về sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội.

Song song với những chương trình biểu diễn, đào nương Bạch Vân còn thuyết phục các nghệ nhân mở lớp đào tạo ngắn ngày cho những người yêu thích, đón nghệ sĩ tài hoa về chăm sóc và truyền dạy Ca trù cho lớp trẻ. Cùng với đó, chị Bạch Vân cùng Câu lạc bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thành công “Hội thảo Ca trù Thăng long – Hà Nội lần thứ nhất” với 18 tham luận của các nhà khoa học trung ương và Hà Nội; tham gia tổ chức “Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất”, với đại diện 13 tỉnh thành tham gia. Đây là liên hoan Ca trù đầu tiên, lớn nhất, tuy là của Hà Nội nhưng lại thu hút được Ca trù nhiều tỉnh thành tham gia...

Với những hoạt động không biết mệt mỏi, cùng sự đam mê, cố gắng, đào nương Bạch Vân cũng như Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển Ca trù, giúp cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực