Ảnh minh họa
Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và sự cần cù chịu khó học hỏi của người dân, nghề trồng hoa đào ở đây đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng hơn 60ha trồng đào bản địa, tập trung ở các xã Hạ Long, Đông Xá, Bình Dân. Riêng xã Hạ Long, trong năm 2016 đã mở rộng thêm 8ha, nâng tổng diện tích trên 53ha trồng đào bản địa. Vụ Tết Nguyên đán năm 2016, xã cung cấp ra thị trường trên 1.500 cây đào, doanh thu trên 1,3 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến lượng đào cung cấp cho thị trường tăng gấp 3 lần. Nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng đào. Năm nay, thời tiết ấm, không mưa, khiến một số diện tích đào nở sớm, nhưng nhờ chủ động áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc để hoa nở vào đúng dịp Tết, nên nhiều hộ trồng đào Vân Đồn vẫn đảm bảo thu nhập khá.
Bà Cao Thị Cách (thôn 6, xã Hạ Long) cho biết: Những năm gần đây, đào là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện gia đình bà trồng trên 500 gốc đào, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Nghề trồng đào rất vất vả, lại rủi ro cao, nếu thời tiết thuận lợi, từ trồng cây con đến khi cho hoa mất ít nhất 4 năm. Chăm sóc cho cây là cả một quá trình tỉ mỉ, cẩn thận. Tháng Giêng, sau khi hoa tàn là công đoạn cuốc gốc, cắt tỉa cành; tháng 4 tạo tán cho cây, muốn tạo tán phải ngắt ngọn liên tục, ép đào đâm ra những cành nhánh; tháng 8 khi áng chừng có từ 50-60 cành nhỏ thì tạm dừng công việc tạo tán, tập trung bón thúc cho đến khi trút lá; tháng 10 đến đầu tháng 11 là thời điểm kích cho đào ra hoa, đặc biệt phải dựa vào kinh nghiệm đoán biết thời tiết để hãm sao cho hoa nở đúng dịp Tết.
Rất nhiều hộ ở các xã Hạ Long, Đông Xá, Bình Dân đã mạnh dạn đầu tư, cải tiến kỹ thuật, chăm sóc, mở rộng diện tích trồng đào, đã đem lại hiệu quả cao. Hiện đào phai Vân Đồn không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện mà còn được bán ra các địa phương lân cận như TP Cẩm Phả, TP Hạ Long...
Ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Vân Đồn, cho biết: Với những giá trị về thẩm mỹ và kinh tế, hoa đào đã được huyện xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Dự kiến đến năm 2020 tăng diện tích trồng đào lên khoảng 200ha, thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha. Cùng với việc xây dựng và phát triển vùng trồng đào, Vân Đồn đang xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hoa đào Vân Đồn.
Việc phát triển cây hoa đào đang là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài huyện. Trồng đào, bên cạnh nâng cao hiệu quả kinh tế, còn có ý nghĩa lớn về bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật quý, hiếm và nét văn hoá của địa phương.