Dấu ấn tâm hồn Nguyễn Hồng Vinh

Chủ nhật, 17/06/2018 16:35
( ĐCSVN)- Ngay trong những ngày đầu tháng 6/2018, tháng có sự kiện của những người làm báo - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2018), tôi có trong tay cuốn sách khá dày dặn, hơn 430 trang in, “Thơ và dấu ấn cuộc đời” của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Ngay trong những ngày đầu tháng 6/2018, tháng có sự kiện của những người làm báo - Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2018), tôi có trong tay cuốn sách khá dày dặn, hơn 430 trang in, “Thơ và dấu ấn cuộc đời” của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Cuốn sách ra đời thật có ý nghĩa, đây là tác phẩm văn học mà ông coi “để kỷ niệm tròn 50 năm làm báo”, một sự nghiệp báo chí bền bỉ, trải nghiệm nhiều thử thách, nhất là làm báo trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, mà ông không ngừng vươn tới, trưởng thành, dù ở lĩnh vực nào của người viết, dù ở hoàn cảnh, vị trí công tác nào, khi ông nhận nhiệm vụ quản lý các ấn phẩm của tờ nhật báo lớn nhất nước, cũng như khi ông được điều lên Trung ương tham gia lãnh đạo công tác tư tưởng- văn hóa.

Trước năm 2010, tôi chỉ biết ông với tư cách nhà báo, người lãnh đạo các cơ quan báo chí (Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương…). Đầu năm 2010, thật bất ngờ, ông mang đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam tập thơ đầu tay của một “nhà thơ trẻ” mới xuất hiện, nhờ tôi đọc và xin cấp phép xuất bản - tập Từ những nẻo đường. Đúng là thơ từ những nẻo đường, những kỷ niệm của các ngả đường khác nhau, học tập và làm báo, dọc ngang thiên hạ từ những năm tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết.

 



Bìa cuốn sách " Nguyễn Hồng Vinh - Thơ và dấu ấn cuộc đời"

 

Đọc thơ ông, thơ về Hà Nội những thập niên 60 của thế kỷ 20, còn leng keng tàu điện, về vùng quê Nam Định một thời trũng nước “ Cha đang oằn lưng đẩy thuyền mưa gió tạt…”. Tôi trân quý hồn thơ giản dị, chân tình, có những bài không hề kém sức gợi, cảm động, ra ngoài tiên lượng về một “quan chức báo chí” làm thơ của tôi trước đó. Chứng tỏ, trong đáy hồn ông còn nhiều lay thức, hồn vía của những hàng râm bụt đỏ hoa, tiếng tàu điện thao thiết một thời Hà Nội thanh bình, những con đường làng quê trong gian khó chiến tranh phá hoại mà ở đó có mẹ, có những người thân… Tôi nói ngay với ông, thơ ông viết về quê, cảnh sắc và những người thân yêu, về người mẹ nghèo lam lũ tảo tần, cực nhọc sớm hôm với lòng nhân hậu, bao dung, nhẫn nại nuôi con ăn học, là được nhất! Nó như được viết ra từ máu mình. Những câu thơ chân thực về mẹ, thảng thốt trên một chuyến bay: “Rau lang luộc với cơm độn sắn/ Rét tháng Giêng, bếp lạnh, mẹ thức chờ/ Vừa chợp mắt canh ba, mẹ đã vùng thức giấc/ Lo cơm nắm, muối vừng cho con học đường xa”. Bay, chẳng biết vòm trời nào, nhưng đó thực sự, theo tôi, chính là lúc ông đang hạ cánh xuống ngôi làng “cơm nắm, muối vừng” mẹ gói vào lúc canh ba và đó cũng là “đường băng” cho mọi sự cất cánh của đời ông, từ lúc bước chân vào cửa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Những câu thơ thẩm thắc, nhớ vợ con thuở cơ hàn, từ nơi xa quê hương, mà đắng đót, mà đong đầy thương nhớ: “Mỗi chuyến về xuân, đâu ít gian truân/ Đường trơn, mưa phùn, từng cơn gió bấc/ Ba mẹ con trên chiếc xe đạp cũ mèm/ Đất chẹn bánh, con ì oạp lội trong bùn nước lạnh…/ Bốn mùa hạ trôi qua, trong sâu thẳm nỗi người/ Em vắt sức vì con, xây tổ ấm…” (Những năm tháng không quên). Khá nhiều câu thơ ở vùng ký ức thẳm sâu của Nguyễn Hồng Vinh, trên những nẻo đường từ rừng tới biển, Sông Lô có người con gái, Tình Em chảy mãi, Hạt phù sa bên biển… được khắc ghi như thế.

Sau, tôi cũng ít gặp ông, càng ít được đọc vì những tập sau ông in ở nhà xuất bản khác, ngoại trừ những bài in báo mà tình cờ tôi đọc được. Thỉnh thoảng ông điện cho tôi, vui vui: “Chú thấy thơ anh độ này ra sao? Anh vẫn theo dõi chú, và học chú đấy”. Tôi bảo: “Ấy… anh cứ nói thế… Anh động viên em chứ gì”. Và tôi cũng nói vui rằng, tay nghề ông “lên trình” rồi! Tôi thật sự ngỡ ngàng, ngoài hai cuốn sách về nghề báo, ông đã có đến 6 tập thơ in trong vòng 8 năm qua: Từ những nẻo đường (2010), Thao thức dòng đời (2010), Nhịp điệu thời gian (2013), Miền thương nhớ (2013), Màu ký ức (2015), Lãng quên thì thầm (2016). Và bây giờ là tập thứ 7, Thơ và Dấu ấn cuộc đời (2018). Bình quân gần 1 năm, 2 tháng in một tập thơ (có hai năm, mỗi năm in 2 tập), như là cuộc tổng lực cho thơ, một góc tâm hồn, đời sống tinh thần kìm lại nhiều năm tháng cho đường hành nghiệp, trách nhiệm công dân khác trọng yếu hơn, chỉ đến khi nghỉ quản lý, theo nghĩa công chức nhà nước, mới bắt đầu “hồi xuân”, trở về miền “thơ ấu”, tươi trẻ của tâm hồn.

Vậy, có gì cần đề cập trong  “Thơ và Dấu ấn cuộc đời”? Đây là tập sách gồm hai phần, Phần I là Thơ, gồm 52 bài; Phần II, Dấu ấn cuộc đời là 32 bài tiểu luận, bình thơ và một số bài viết về sự nghiệp báo chí của ông của nhiều tác giả, phần lớn luận đàm về hai mảng chủ yếu nói trên của ông, qua những tập đã xuất bản.

Ở phần thơ mới của Nguyễn Hồng Vinh, thơ ông có khá nhiều mùa, đặc biệt là mùa xuân, vì vậy mà nhiều lá hoa, cảm xúc tình yêu qua nhiều ngày tháng, hàm chứa  nhiều hoài niệm… Mùa xuân và thiên nhiên là dấu ấn tâm hồn, đã đến lúc thư thái của người luống tuổi, thường hay muốn trở lại thời xuân sắc, ăm ắp kỷ niệm, để được trẻ lại, sống lại với những nhớ nhung, luyến tiếc về những gì đã qua, như quy luật vòng quay của đời người. Đây, những Khẽ khàng xuân, Phút xuân, Tản mạn đầu xuân, Nguồn ấm mùa xuân, Hẹn ước ba xuân, Lạc lối giữa mùa xuân, Đây những Ngày tình yêu, Tình khúc mùa đông, Cánh hoa, Lá sen, Hoa Lan và những kỷ niệm mang tính hành trình khác trong 50 năm cầm bút.

Bên cạnh sự tĩnh lặng, trong trẻo của mùa xuân, nghe được “Mầm xuân cựa quậy đâu đây”, “Đường yêu ta cùng vui bước/ Sắc xuân khẽ khàng bên em…”, là những “Hẹn em giêng hai gặp lại/ Quan họ thao thiết triền sông” (Phút Xuân), và là “Khu vườn ba mùa thay lá/ Khăn hồng em mãi chưa trao/ Ai biết ba mùa xuân ấy/ Trang giấy vẫn trắng mặt bàn/ Con chữ xé giằng, vật vã/ Nhịp tim - đồ thị hình sin” (Hẹn ước ba xuân). Những hẹn ước mùa xuân, đợi chờ lời yêu chăng, mà sao trang giấy vẫn trắng mặt bàn, chỉ có tiếng những con chữ xé giằng, vật vã trong thầm lặng của hẹn ước và khát vọng. Nhưng, sau nhiều thi ảnh đẹp, mùa xuân phiêu lãng, thì bất ngờ những câu thơ “thời sự”, đã được tác giả quan sát tinh tường: “Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt!/… Nước lên thì thuyền lên/ Dân giàu là nước mạnh/ Nhưng đâu khỏi băn khoăn:/ Có người một túi sách/ Bằng mười nhà tặng dân!...” (Tản mạn đầu xuân). Nỗi đau trước tệ tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy dự án, chạy chức quyền… đang nóng bỏng, nhức nhối trong dư luận xã hội, trên các diễn đàn, được ông nói bằng cách của mình và đặt đúng “cửa sếp” là tiếng nói trung thực, thẳng thắn, một phẩm cách và trách nhiệm của người cầm bút với ý thức xây dựng xã hội tốt lên, không chỉ miên man mãi trong vẻ đẹp của hoa lá, tình yêu…

Ngoài mảng thơ đậm về mùa, như cái cớ giao duyên giữa con người với thiên nhiên, sự chuyển vần đất trời cũ và mới, mối quan hệ con người với con người, quá khứ với hiện tại, ta thấy ở ông nhiều bài thơ viết trên các lộ trình, địa danh mà ông đến và đi, khơi gợi nhiều kỷ niệm, nhiều tâm tư, nhiều dùng dằng ở miền Tây, miền Trung; Đồng Tháp hay Đà Lạt, Tây Nguyên; Nha Trang, Đà Nẵng hay Sầm Sơn; hoặc “xuyên giữa cánh rừng Tây Bắc”... Có thể gọi đó là tình yêu hành trình, rộng lớn hơn là tình yêu đất nước, gặp người gặp cảnh mà lưu luyến, mà thảng thốt: “Cúc vàng rực triền đê em dạo/ Cốm dẻo thơm trong lá sen em gói/ Quyện hương cà phê buổi sớm hồ Tây” (Ký ức Sầm Sơn). Những câu thơ mê cảm và gợi đến bẫng lẫng, giao hòa vị biển Sầm Sơn với hương cà phê và sương khói Tây Hồ, có sức lắng đọng sâu xa.

Đặc biệt, trong những bài thơ viết ở nước ngoài, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh có những bài thơ viết, như tâm tình, như chia sẻ và hoài niệm về nước Nga một thời gần gũi, thân thương… Cũng tự nhiên thôi, bởi đấy là nơi ông từng học hành, làm luận án tiến sĩ về báo chí, từng đi lại nhiều lần công tác, là quê hương Cách mạng tháng Mười, là dòng sông Von-ga hay con sóng Nê-va tuyệt đẹp, để lại nhiều kỷ niệm diết da, xen lẫn nỗi băn khoăn thời thế: Một thời mãi nhớ, Hoài niệm tháng 6, Nước Nga trong tôi, Hai trong một… Ngọn bút thi cảm của ông vẽ ra bức tranh thiên nhiên lộng lẫy, huyền ảo nước Nga, lồng trong tình yêu xứ sở: “Nước Nga trong tôi và tôi trong nước Nga/ Với tuyết trắng mùa đông và đêm trắng mùa hè/ Sóng sông Hồng gọi sóng Von-ga/ Trăng dát bạc nghiêng đồi chè sóng lượn…/ Tôi tin lòng em đầy nắng/ Nước Nga trong tôi và nước Nga trong em” (Hai trong một). Trong Hoài niệm tháng 6, trở lại dòng sông Nê-va, ông lại nhớ về một thời yêu dấu, một nỗi buồn len lén chia xa: “Ba mươi năm sao trôi nhanh/ Mỗi người đều theo ngã rẽ/ Vật vã trong cuộc mưu sinh/ Mái đầu lơ thơ tuyết trắng/ Trở lại Nê-va tháng 6/ Hồn ta xanh lại nước sông/ Thương em dầm mưa dãi nắng/ Hôn-đa lầm lũi chở hàng…”. Vâng, hầu như ai cũng có một thời thương yêu, đau đáu niềm nhớ nhung như thế!

Sau tất thảy, thơ Nguyễn Hồng Vinh đã bắt đầu nói nhiều về thực và ảo, thiện và ác, lòng tham và danh lợi, cái mất và cái còn, nghĩ về cõi Phật… sau những trải nghiệm của một đời người cầm bút, với những thăng trầm, thành bại khác nhau, như là cuộc tổng kết nhận thức và chuyển hóa trong tâm thế, trong tinh thần tự tại, soi chiếu thế giới, soi chiếu chính mình của ông… “Tiền tài và danh vọng/ Trộn đắng cay xé lòng/ Hòa tan bao nước mắt/ Xóa nhòa nụ cười duyên/… Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo vọng/ Chỉ tình người còn đọng/ Giữa bộn bề trái ngang” (Vô đề 3). Ở một bài thơ vô đề khác, như một sự bổ trợ cho dòng tư biện mà ông đang đề cập: “Những khổ đau, oan trái/ Giữa cái thiện, lòng tham/ Danh lợi và chức quyền/ Cứ đan xen thường nhật!/ Càng ngẫm lời kinh Phật:/ Đời-sắc sắc không không” (Vô đề 1).

Đọc những câu thơ trên, tôi có cảm giác ông đang muốn vào cõi chân tu, không phải tu ở chùa, có sư thầy thỉnh giáo, mà ông tu mình, căn chỉnh lại mình trong ngôi chùa trần ai, cõi thế. Phải chăng nó được chắt ra, từ những ngữ cảnh, ngay cả ngữ cảnh tình yêu, một thời tưởng như chỉ có hoa thơm và mật ngọt, mà giờ đây: “Trời sáng nay mây đen vần vũ/ Xa một ngày, mọi thứ đã hư không/ Nhớ chăng lần đầu gặp em/ Cơ man mỹ từ, nay thành thuốc đắng/ Sông sâu khó đo/ Sự đời ngóc ngách/ Lòng người - ai biết nông sâu?!” (Lòng người - ai biết?!). Có biết bao người, cũng uống nhầm thuốc đắng của mỹ từ. Những mỹ từ ấy đã trở thành mộ táng của ngây thơ và sự cả tin trong dòng đời cuồn cuộn của cơ chế thị trường. Cũng như, sau 50 năm cầm bút, ông đã bắt đầu nghiệm ra cái cốt yếu trong nghiệp văn của mình, hay cũng là nghiệp của những người cầm bút: “Có chân trời hy vọng/ Dành cho ai chí bền/ Đọc hàng trăm trang sách/ Mới viết vài trang văn…/ Mật ngọt của trang văn/ Có khi trong một chữ/ Vật vã bao ngày đêm/ Chắt từ Đời và Sách!” (Tản mạn về nghề).

Nếu phần thơ, là thơ mới, viết từ 2016 đến nay thì phần hai, tiểu luận là tập hợp những cảm nhận, đánh giá, phẩm bình (bài này chỉ nói về thơ) của các nhà thơ, nhà lý luận phê bình viết về thơ Nguyễn Hồng Vinh trong hành trình tác cảm và nghiệm sinh đời sống. Nguyễn Sĩ Đại, người đồng nghiệp, người em cùng cơ quan báo Nhân Dân với ông, viết về tập thơ đầu tay, “Từ những nẻo đường” như sau: “Thơ anh trong tập này tuy có chỗ chưa thật trau chuốt, có chỗ còn nệ vào thời sự, nhưng thời sự cũng là một đặc điểm, một thế mạnh trong thơ Hồng Vinh. Có lẽ lòng anh phải yêu người, yêu đời và lạc quan lắm mới dễ reo ca với mỗi nụ hoa cuộc sống, mà anh chợt gặp. Trên hết, chính xác hơn, đó là tình yêu đất nước trong tình yêu người mẹ và gia đình, tình yêu bạn bè, tình yêu đối với sự nghiệp lớn của nhân dân”. Nguyễn Sĩ Đại khái quát: “Với sự ra đời của tập thơ này, anh đã trả được món nợ tình cảm đối với quá khứ và tiến bước trên con đường thơ nhiều hứa hẹn”.

Vậy con đường thơ nhiều hứa hẹn của Nguyễn Hồng Vinh như tiên lượng của Nguyễn Sĩ Đại diễn ra thế nào? Trong bài viết “Say thơ cũng bởi say đời” của nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh viết: “Hóa ra anh Hồng Vinh đã lặng lẽ làm thơ từ lâu… Trong tập thơ đầu tay “Từ những nẻo đường”… mang dấu ấn của những thảng thốt khá rõ. Vẫn biết thơ thường gắn với kỷ niệm. Nhưng chỉ kỷ niệm thôi, không đủ. Cao hơn kỷ niệm là sự chuyển hóa. Cao hơn chuyển hóa là tâm hồn: “Đầy vơi những dòng sông/ Giống tình đời, thời thế/ Phù sa ơi, dâu bể/ Vẫn lặng thầm xây hương” (Lời nhắn qua mưa)… Thao thức dòng đời là tập thơ thứ hai, là phần chìm của một cán bộ tư tưởng. Tôi nói phần chìm mà không nói phần khuất, là muốn nói đến cái đế, cái trục cảm xúc… Giữa một thế giới đầy những vô tình, vô cảm, thì sự lưu giữ một cảm tình, một ấn tượng là rất quý. Chẳng hạn như việc đi tìm mộ người anh liệt sĩ: “Cả đời anh chưa một ngày thanh thản/ Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân/ Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải/ Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng” (Anh nằm nơi nao?). Sau những nhận định về Nguyễn Hồng Vinh với những bài viết, bài nói sắc sảo của một cán bộ tư tưởng giàu kinh nghiệm, thì bây giờ ở thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh tóm lược: “Anh Hồng Vinh đang độ say thơ… Tôi đọc anh, nhiều lúc dừng lại ở những điểm nhấn. Đó là khi tác giả có ý mà đủ tình, gợi nhiều hơn kể, để sự sống nhân lên. Rồi đây, với bề dày của chiêm nghiệm, thơ anh sẽ đằm thắm hơn, rất đời và rất thơ”.

Còn nhà thơ Bằng Việt thì ngỡ ngàng: “Một hồn thơ trẻ lại bất ngờ” khi đọc tập “Nhịp điệu thời gian”, bởi “Hồng Vinh… có những thổn thức tươi tắn mà đằm thắm đến thế nào với tất cả những gì anh từng được sống qua, đã nếm trải và chiêm nghiệm trong đời…, một trải nghiệm ấm áp với bà con xóm nghèo từ cuộc đời sinh viên nơi sơ tán… Hay đó còn là những kỷ niệm gắn bó thật giản dị mà đầy ý nghĩa từ thời thanh xuân sôi động với một người bạn bình thường nay đã về hưu”.  Nguyễn Hữu Quý thì dẫn người đọc thẩm thấu, thấu cảm một “Tiếng thơ đằm thắm, ân tình” qua nhiều dặm thơ, bao la, “đong” tiếng thơ ân tình ấy của Nguyễn Hồng Vinh, được minh tường trong tập Miền thương nhớ.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì tường triết:“Một người đang lắng nghe giọng nói của mình”, một cách lập ngôn có gu phong cách riêng của anh về tập Màu ký ức. Anh biểu cảm: “Đọc tập thơ Màu ký ức của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, sự thật là tôi được biết thêm về con người ông, mà trước đó tôi chưa biết hoặc biết rất ít… Tác giả Nguyễn Hồng Vinh như một người “du mục” vì những bài thơ chỉ đơn giản là những ghi chép để giữ lại cho cá nhân ông những cảm xúc, những suy ngẫm về một phần của đời sống mà ông có… Xa đất nước, ông vẫn canh cánh về vùng quê nơi ông chào đời, đã nuôi lớn ông: Lắng sâu tiếng mẹ ru hời/ Trái sung lúc đói, tình người lúc xa… Có những điều tưởng rất bình thường, nhưng ông đã phát hiện cái “ lấp lánh” của đời: “Ngày đêm mải miết dõi tìm/ Mà sao chỉ gặp một miền hư vô” (Không bờ). Lúc này, thực sự ông đang đối diện với chính mình, hay nói cách khác là ông đang được sống với chính ông và ông nghe được giọng nói chân thực của ông vang lên”.

Tôi còn nói được gì thêm nữa, và cũng không nên dề dà thêm nữa. Chỉ làm một việc tóm lại hành trình thơ ông, qua con mắt soi chiếu của nhiều nhà nhơ nổi tiếng, mà phần lớn khá gần với những gì tôi đã đọc của Nguyễn Hồng Vinh, từ buổi ban đầu thơ ông và rải rác sau đó. Tôi biết ông từ thời tôi làm báo Gia đình & Xã hội, qua những cuộc giao ban báo chí, tư tưởng mà hiểu thêm ông, có cảm tình với ông, một nhà báo, nhà làm công tác tư tưởng, chính trị đã bền bỉ học nhiều, đi nhiều, qua bao nhiêu trải nghiệm, đã và đang làm dày thêm kinh nghiệm sống. Những điều đó hiển hiện qua những bài viết, bài phát biểu sắc sảo về đời sống chính trị và xã hội, cũng như những tâm sự, sẻ chia của ông với bạn bè, đồng nghiệp. Và bây giờ là dấu ấn của một tâm hồn chứa chất vui buồn đan quyện, thầm lặng góp sức gieo những “ nụ hoa cuộc sống” cho cuộc đời, cho con người mà ông luôn trân trọng, yêu tin.

Xin nồng nhiệt chúc mừng ông vì những gì tôi, cùng các đồng nghiệp, những bạn văn nghệ đã nghĩ về ông, một sự nghiệp đã tròn năm thập niên nghề báo, mà ông có thể tự hào, thanh thản và sáng tạo!

 

Nhà thơ, Nhà báo Trần Quang Quý
Nguyên Phó Giám đốc NXB. Hội Nhà văn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực