Giao lưu nghệ thuật văn hóa Phật giáo “Mẹ và Tổ quốc Việt Nam”

Thứ tư, 26/08/2015 14:01

Chương trình giao lưu nghệ thuật văn hóa Phật giáo kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 và mừng Đại lễ Vu lan với chủ đề “Mẹ và Tổ quốc Việt Nam” đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tối 25/8, tại Hà Nội.

Tham dự giao lưu có lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đông đảo các chức sắc Phật giáo và hàng trăm Phật tử. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lẵng hoa chúc mừng.

 

 Cài hoa cho trẻ mồ côi trong Đại lễ Vu lan. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Đây là năm thứ hai chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật vừa hàm chứa ý nghĩa Phật pháp thậm sâu, đề cao tinh thần hiếu hạnh nhân mùa Vu lan báo hiếu, vừa thể hiện tính xã hội hóa cao được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. Vu lan báo hiếu là lễ hội văn hóa tâm linh có mặt lâu đời trong truyền thống của dân tộc ta. Ý niệm Vu lan đi vào tâm thức của mỗi người và đã trở thành lễ hội của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng; lễ hội của lòng tri ân và báo ân của những người con đối với đấng sinh thành và đất mẹ, đó cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Ngày Vu lan báo hiếu cũng là dịp để nhắc nhở mỗi người ghi nhớ và đền đáp Tứ trọng ân, đó là ơn cha mẹ – ơn đất nước – ơn chúng sinh – ơn thầy tổ, đây là tứ trọng ân rất được coi trọng trong Phật giáo và trong đời sống tâm linh mỗi người con Việt.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Vu lan báo hiếu là một trong tứ trọng ân như dòng suối trong lành mát dịu mãi tuôn chảy đổ về trái tim mỗi người con Phật, trở thành đời sống tinh thần ăn sâu vào tâm thức của mỗi người. Mùa Vu lan là mùa tôn vinh đạo hiếu, nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ công ơn dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước cùng các chiến sỹ ở hải đảo xa xôi của Tổ quốc, giáo dục đạo đức nhân văn của văn hóa Phật giáo đó là “từ bi hỉ xả”, “vô ngã vị tha”, đền đáp 4 ân trọng đại nhất của đời người mà không ai có thể quên được.

Phát biểu tại Chương trình, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà, lịch sử Phật giáo đã khẳng định: Thời nào Phật giáo cũng lấy đức từ bi trí tuệ và các giá trị chân – thiện – mỹ để giáo hóa chúng sinh. Lễ Vu lan từ lâu đã thành lễ hội lớn không chỉ riêng với người con Phật mà đã trở thành lễ hội văn hóa thấm đẫm tình người, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Mỗi mùa Vu lan về cũng là dịp để mỗi người tưởng nhớ, tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân, đấng sinh thành mà rộng ra là quốc gia, xã hội. Thời gian qua, các cấp Giáo hội đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện tặng quà nhân đạo, tổ chức nhiều khóa lễ cầu quốc thái dân an, cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sỹ đã vì quốc vong thân, đây là những nghĩa cử cao đẹp, việc làm hết sức ý nghĩa, đầy tình người, không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn mà còn khơi dậy trong toàn xã hội về lòng yêu thương, trân trọng giá trị con người, về tinh thần bác ái từ bi của đức Phật. Chương trình giao lưu là minh chứng sinh động cho sự gắn kết giữa đạo và đời, giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam.

Trải qua hai cuộc chiến tranh, đã có biết bao đau thương mất mát đè nén. Có những người mẹ có tới chín, mười người con nhưng rồi sau chiến tranh mẹ chỉ có một mình cô quạnh bởi theo tiếng gọi của Tổ quốc, các con của mẹ đã tham gia chiến đấu và lần lượt hy sinh. Nước mắt mẹ không còn để khóc. Mỗi bữa cơm mẹ âm thầm với 9 bát cơm, 9 đôi đũa, 9 nén hương thầm gọi các con về. Chùm ca khúc “Khúc hát ru người mẹ lính” của cố nhạc sỹ An Thuyên, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, nhạc Lư Nhất Vũ, thơ Lê Giang… cùng những chia sẻ của các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam về ơn đất nước và ơn đấng sinh thành trong tứ trọng ân, hay cảm niệm mùa Vu lan của một học sinh lớp 4 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm tri ân cha mẹ là những giây phút lắng đọng bâng khuâng để mỗi người nhớ về công cha dưỡng dục, thương mẹ đức cù lao.

Tại chương trình giao lưu, mẹ của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm cũng xúc động chia sẻ tiếng lòng của mình với mong muốn mỗi người, dù bận bịu cũng cố dành thời gian cho gia đình, chăm sóc cha mẹ. Chương trình giao lưu cũng đã nhận được sự ủng hộ vật chất của các nhà hảo tâm, các tổ chức để hỗ trợ các sinh viên nghèo, học sinh dân tộc thiểu số./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực