Giới thiệu những khoảnh khắc ngọt ngào tới công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô
Thứ sáu, 06/10/2017 15:32 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Triển lãm mỹ thuật với tên gọi “Thu” của 3 họa sĩ Vũ Thái Bình, Vương Duy Khoái và Nguyễn Ngọc Tuấn sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 23/10/2017, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội).
Những khoảnh khắc ngọt ngào sẽ được giới thiệu tới công chúng
yêu mỹ thuật Thủ đô. (Ảnh: BTC cung cấp)
Bằng những chất liệu khác nhau như sơn dầu, màu nước và chất liệu tổng hợp, 23 tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu tại triển lãm sẽ mang lại những khoảnh khắc ngọt ngào tới công chúng yêu nghệ thuật của Thủ đô qua loạt tranh về phong cảnh quê hương, đất nước và con người, mang đậm dấu ấn cá nhân của những họa sĩ đang ở độ chín muồi.
Trình làng tại triển lãm lần này, những tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn đã lưu lại nhiều cảm xúc bằng bút pháp mộc mạc, chân thực, và gần gũi nhất. Người xem ấn tượng với những vạt nắng ngọt nhẹ trên tranh anh; những ngôi nhà tranh đơn sơ, giản dị; những lùm cây tươi mát và những con đường ngoằn ngoèo đặc trưng của vùng miền núi trong khung cảnh hoàng hôn của buổi chiều thu đầy thơ mộng.
Ở họa sĩ Vũ Thái Bình, họa sĩ được mệnh danh “nặng lòng với dó”, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nhận ra sự tinh tế tỉ mỉ qua mỗi lớp màu, từng nét cọ và những cảm xúc chân thành trải dài trên tranh. Nếu triển lãm cá nhân 2016 đánh dấu sự thể nghiệm đầy thành công, thì ở triển lãm này ta nhận thấy sự bứt phá ngoạn mục trong cách anh làm chủ chất liệu của mình: từ cách xử lý ánh sáng hay cách anh tái hiện không gian với những mảng tường rêu thấm đẫm nét thời gian. Không chỉ thế, mỗi nhân vật, từ cử chỉ đến ánh mắt đều mang lại cho người xem cảm xúc đến nao lòng. Ta như gặp lại những bóng dáng quen thuộc qua cái lưng còng của bà, dáng đi tất bật của các mẹ, các cô. Những năm tháng tuổi thơ trỗi dậy với hình ảnh con gà, con trâu thể hiện sự thanh bình nơi làng quê yêu dấu.
Còn tranh của Vương Duy Khoái thì thật lạ ở cách tạo chiều sâu trong không gian mang đậm tính văn hóa. Những câu chuyện thần tiên chỉ có ở thế giới cổ tích hay những linh vật được bố cục hợp lý trong kiến trúc cổ của đình và chùa. Cách xử lý những mối quan hệ trong không gian hài hòa cùng với tông màu nâu sẫm truyền thống dễ dàng truyền tải thông điệp của anh tới người yêu nghệ thuật, đó chính là: tình yêu di sản, yêu quê hương đất nước. Hình ảnh một lá sen tàn trong chiều thu, hay không gian tĩnh lặng một góc phố, thế thôi cũng đủ để anh lưu giữ những cảm xúc riêng của mình. Anh chia sẻ: “Không gian văn hóa bao trùm và nhuốm màu thời gian lên mọi vật, cả “vật thể và phi vật thể”. Cá nhân người làm nghệ thuật đã đắm mình trong đó như tự nhiên đã có…Nếu có khác chỉ là cách thể hiện và giãi bày khác nhau thôi”.
Ba họa sĩ, ba phong cách khác nhau, đều xuất thân từ cái nôi đào tạo của trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, dù cách thể hiện cảm xúc của mỗi người không giống nhau nhưng có một điểm chung đó chính là niềm đam mê trên con đường sáng tạo sáng tạo nghệ thuật của mình./.
Huy Lê