Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu là lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực điện ảnh. (Ảnh: K.T)
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh trình bày dự thảo Báo cáo Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Điện ảnh. Theo đó, sau 10 năm, hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh về cơ bản phù hợp với các cam kết quốc tế, văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đảm bảo công tác quản lý, điều chỉnh được hầu hết các hoạt động điện ảnh... Một số nội dung trong chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh đã bước đầu được thực hiện.
Tính đến tháng 11/2016, cả nước đã có 450 doanh nghiệp tư nhân có chức năng được phép sản xuất phim, trong đó có khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên, tích cực vào sản xuất phim điện ảnh, tạo ra 50 - 60% tổng sản lượng điện ảnh trong nước. Cả nước đã có 145 rạp, cụm rạp với tổng số 520 phòng chiếu; có 270 đội chiếu phim lưu động, trung bình hằng năm phục vụ khoảng 50.000 buổi chiếu với hơn 11 triệu lượt người xem.
Việt Nam cũng đã tổ chức thành công 4 Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội; tham gia 148 liên hoan phim quốc tế; tổ chức 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2007 - 2016, đã có hơn 100 dự án làm phim hợp tác, cung cấp dịch vụ và phim có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam.
Hiện nay, Luật Điện ảnh đang có một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành. Cụ thể: Việc giải thích một số từ ngữ quy định tại Điều 4 Luật Điện ảnh đến thời điểm này không còn phù hợp, gây khó khăn trong công tác quản lý; các chính sách cơ bản để phát triển điện ảnh chủ yếu được quy định trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, tính pháp chế chưa cao, chưa được thực thi nghiêm túc; việc soạn thảo đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được tiến hành từ năm 2010 song đến nay vẫn chưa được lập...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng cho rằng: Qua 10 năm thực hiện theo Luật, điện ảnh Việt Nam có nhiều bước tiến bộ; thu hút, khuyến khích sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh.
Việt Nam cũng đã có chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại. Bên cạnh đó, các quy định về thành lập cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, việc tổ chức, tham gia Liên hoan phim, hội chợ phim đã đưa điện ảnh Việt Nam từng bước phát triển, hội nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.
Trong bối cảnh mới hiện nay, nhất là khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh phù hợp, phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh như: bổ sung quy định về nguồn, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ điện ảnh, cơ chế ưu đãi đối với hoạt động điện ảnh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim; quy định về phổ biến phim trên mạng internet, khai thác phim từ vệ tinh; sửa đổi quy định về sản xuất phim đặt hàng...