Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam... đại diện lãnh đạo các cơ quan văn hóa văn nghệ Trung ương và các tỉnh, thành phố; các thế hệ nhà văn đến từ nhiều vùng miền trong cả nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng sự kiện trọng đại của Hội Nhà văn Việt Nam.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương vai trò của các nhà văn Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời kỳ vọng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trở thành Hội chính trị xã hội nghề nghiệp vững mạnh trong thời kỳ mới; các hội viên, đông đảo người cầm bút trong cả nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; gắn bó với hội viên, với sự nghiệp văn học nước nhà, với nhân dân và sự nghiệp đổi mới, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Để văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển, đồng hành cùng dân tộc, Hội Nhà văn Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23 –NQ/TW về văn học, nghệ thuật, đặc biệt là Nghị quyết 33 –NQ/TW về “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam...
Các nhà văn cần đi sâu đi sát cuộc sống để nắm bắt, sáng tạo các tác phẩm có giá trị về hai cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân ta trong thế kỉ 20; có thêm nhiều tác phẩm hay ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà văn giai đoạn đổi mới với sự dấn thân sâu rộng hơn nữa vào đời sống xã hội để có được tác phẩm sinh động, sâu sắc phản ánh con người Việt Nam thời đại mới. Đặc biệt, các nhà văn Việt Nam cần có bản lĩnh, có thái độ bình tĩnh, cảnh giác trước những biểu hiện, xu hướng lệch lạc, tiêu cực trong văn học nghệ thuật. Sáng tác cần hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, đồng hành với sự phát triển của đất nước.
Hội nhà văn trao giải Cống hiến cho người nhà của các cố nhà văn tại buổi lễ.
(Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)
Tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa IX báo cáo tổng kết chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển Hội. Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm 1957, trên cơ sở kế thừa truyền thống của Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Văn nghệ Việt Nam, khi đó Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập với 278 hội viên (trong đó gồm 25 thành viên sáng lập). Trong 60 năm qua, các nhà văn Việt Nam luôn là người đồng hành chung thủy cùng dân tộc. Ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn hết mình với sự nghiệp cách mạng, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Đặc biệt, qua 30 năm đổi mới, văn học Việt Nam đã có bước phát triển đột phá về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác.
Với những thành tựu đạt được, Hội Nhà văn Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác. Đồng thời Hội cũng đã có 53 nhà văn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 129 nhà văn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 1 nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3 nhà văn được phong tặng Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng truy tặng Giải thưởng Cống hiến cho các tác phẩm của 22 cố tác giả có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật./.