Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức tham dự và trực tiếp đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15.
Diễn văn khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Cách đây 14 năm, Ngày thơ Việt Nam ra đời nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến với công chúng cả nước, bạn bè quốc tế. Qua 14 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam không ngừng được cải tiến để ngày càng sáng tạo hơn, độc đáo hơn, trở thành một sự kiện văn hóa thường niên được đông đảo công chúng cả nước đón đợi. Đồng thời, Ngày thơ Việt Nam cũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với nhiều bạn bè trên thế giới, được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông của nhiều nước trong khu vực và quốc tế.
Hai nghệ sĩ Văn Chương và Vương Hà trình bày bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước” là hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017), khơi dậy trách nhiệm công dân và cảm hứng sáng tạo để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tại lễ khai mạc, sau tiết mục Trống hội rộn rã và hào sảng, hai nghệ sĩ ngâm thơ danh tiếng Văn Chương và Vương Hà đã trình bày bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nguyên bản chữ Hán và bản dịch thơ tiếng Việt. Tiếp đó là chương trình đọc thơ và giao lưu… của các thế hệ nhà thơ Việt Nam đương đại, diễn ra thơ trên Sân thơ Truyền thống và Sân thơ Trăm miền…
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, Triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam cũng được tổ chức. Đây là triển lãm ngoài trời giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo nhất, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng được công bố về hoạt động, quá trình hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu là hội viên của Hội.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 thu hút sự tham gia của đông đảo người yêu thơ trên cả nướcCác hoạt động nổi bật của Ngày thơ tập trung ở Sân thơ Trăm miền. Điểm nhấn của Sân thơ Trăm miền là hoạt động trình diễn các tác phẩm thi họa trên gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ngoài đọc thơ và giao lưu với tác giả tiêu biểu, ở sân thơ cũng có các tiết mục ca múa nhạc với nhiều sáng tác được phổ nhạc từ thơ như các tác phẩm “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Thời hoa đỏ”…
Ngày thơ Việt Nam năm nay không có Sân thơ trẻ mà sân thơ này được tích hợp cùng với sân thơ của thế hệ những tác giả đã thành danh. Tuy nhiên, vẫn có một không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi được tập trung tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”. Ban Tổ chức dành ba ki-ốt cho không gian thơ đặc biệt này bên cạnh ki-ốt thơ của các tỉnh, thành phố, các câu lạc bộ thơ.
“Con đường thi nhân” dọc theo lối đi từ cổng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là điểm nhấn tại Ngày thơ Việt Nam. Trên con đường này, Ban tổ chức giới thiệu chân dung hơn 200 nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam cùng tác phẩm hay của họ về tình yêu quê hương, đất nước, con người./.