Kon Tum: Liên hoan đàn, hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc

Thứ năm, 21/12/2017 21:38

(ĐCSVN) - Trong hai ngày 20 và 21/12, tỉnh Kon Tum tổ chức "Liên hoan đàn, hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc toàn tỉnh năm 2017".

BTC Liên hoan tặng logo và hoa cho các đoàn tham gia. Ảnh: PE


Tham gia Liên hoan có trên 200 nghệ nhân thuộc 7 dân tộc (Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Ja Rai, Thái, Mường và Kinh) đến từ 9 huyện, thành phố trong tỉnh: Đăk Hà, ĐăkTô, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Rẫy  thành phố Kon Tum.

Tại Liên hoan, một số tiết mục dân ca cổ được nghệ nhân thể hiện như: Hát dân ca Xê Đăng "Chim Jil" của đoàn nghệ nhân huyện Đăk Tô; hát dân ca Ba Na Rơ Ngao "Gọi đi xúc cá" của đoàn nghệ nhân huyện Đăk Hà; hát ru con - Dân tộc Mường của đoàn nghệ nhân huyện Huyện Ia H'Drai; hát giao duyên dân tộc Jẻ Triêng "Lời hẹn ước" của đoàn nghệ nhân huyện Đăk Glei; Hòa tấu nhạc cụ dân tộc "Mừng anh hùng Núp" của đoàn nghệ nhân huyện Sa Thầy...

Nổi bật, trong phần trình diễn trang phục truyền thống đại diện cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum, các nghệ nhân đem đến cho chương trình những sắc màu văn hóa, góp phần làm phong phú và tô điểm cho chương trình thêm lung linh và sống động. Trong đó, điểm nhấn là các trang phục cổ, truyền thống của các dân tộc bản địa của tỉnh Kon Tum và một số dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào sinh sống tại đây như trang phục đi săn, trang phục cưới, lễ hội, trang phục đi rẫy, lao động sản xuất ...đã được phục hiện lại bên cạnh những trang phục cách tân hiện nay.

Liên hoan được tỉnh Kon Tum định kỳ tổ chức 2 năm 1 lần, nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên; đồng thời, tạo môi trường không gian văn hoá để Cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác truyền khẩu - di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại được trở về với đời sống sinh hoạt cộng đồng, được trường tồn mãi với thời gian./.

Phi Em
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực