Biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VH Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội nhấn mạnh: 50 năm là một chặng đường đầy gian lao, thử thách, có lúc thăng trầm, các nghệ sĩ Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội) luôn theo sát bước chân của người chiến sĩ, mang hết tài năng và sức lực phục vụ bộ đội và nhân dân. Tiếng hát của các nghệ sĩ, chiến sĩ trên chiến trường, trên thao trường luôn sôi động và trong cuộc sống bình lặng để tạo nên thương hiệu “Chiếu chèo chiến sĩ” như hiện nay.
Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng cho biết: Ngày 28/6/1967, Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần khi đó được vinh dự vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị xem vở chèo “Anh lái xe và cô chống lầy” và một số tiết mục ca nhạc. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khen ngợi đoàn, Bác nói: “Các cháu là người lính, người nghệ sĩ, các cháu phải rèn luyện để diễn cho bộ đội, cho nhân dân xem ngày càng hay hơn…”. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngay sau đó Đoàn liên tục vào biểu diễn phục vụ các binh trạm dọc tuyến đường Trường Sơn. Ngay khi miền Nam được giải phóng, Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần là một trong những đoàn nghệ thuật có mặt sớm nhất tại các vùng giải phóng, lần đầu tiên đem tiếng hát chèo cách mạng đến với miền Nam. Hơn 100 đêm diễn với các vở “Trần Quốc Toản ra quân”, “Người năm ấy”, Cô thủ kho”, “Đôi mắt”… đã gây xúc động hàng vạn khán giả miền Nam.
Những năm sau đó, Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội) nhanh chóng đổi mới cả nội dung và hình thức, tiếp tục khai thác các đề tài lịch sử, dân gian và chiến tranh cách mạng, đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ tham gia hội thi, hội diễn toàn quốc, toàn quân.
Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng khẳng định: 50 năm thực hiện lời Di huấn thiêng liêng, lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, diễn viên luôn rèn luyện chuyên môn, đàn giỏi, hát hay hết lòng phục vụ bộ đội và nhân dân, thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Nhà hát chèo Quân đội là nơi nhiều tài năng nghệ thuật sân khấu truyền thống nảy sinh, thăng hoa và phát triển. Trong thời gian tới, cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ Nhà hát chèo Quân đội nguyện khắc ghi lời Bác căn dặn, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn xây dựng nhiều chương trình vở diễn hay phục vụ bộ đội và nhân dân. Phấn đấu xây dựng Nhà hát chèo Quân đội xứng đáng là một đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, góp phần cùng ngành chèo cả nước bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.