Ký ức về “thời trai trẻ hào hoa” của những người lính sinh viên 1972
Thứ tư, 20/12/2017 08:33 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Rừng đói” và tập hồi ký “Thời trai trẻ hào hoa”. Đây là tập hợp hồi ký của những người lính sinh viên Hà Nội năm 1972 xếp bút nghiên xung phong ra mặt trận, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Bìa hai cuốn sách. Ảnh: Trí Dũng
Cuốn tiểu thuyết “Rừng đói” của tác giả Nguyễn Trọng Luân, nguyên là Tiểu đội trưởng trinh sát, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 76, Sư đoàn 304. Trước khi xung phong lên đường nhập ngũ, tác giả Nguyễn Trọng Luân nguyên là sinh viên Khoa Cơ khí, Đại học Cơ điện. Sau kháng chiến, ông Nguyễn Trọng Luân công tác trong ngành Thép.
Còn tập hồi ký “Thời trai trẻ hào hoa” là tập hợp hơn 40 hồi ký, hồi ức của nhiều cán bộ, chỉ huy, chiến sỹ Sư đoàn 304, trong đó chủ yếu là Tiểu đoàn 76 viết về những ngày tháng vừa huấn luyện, vừa tăng gia lao động cải thiện cuộc sống trên đất bạn Lào và dãy Trường Sơn, vừa chiến đấu với quân thù…
Qua hai cuốn sách đã khắc họa sinh động và chân thực hình ảnh trẻ trung, sôi động, lãng mạn, nhưng có tinh thần yêu nước nồng nàn, khí phách anh dũng, kiên cường của những người “lính sinh viên” tuổi mười tám, đôi mươi giai đoạn 1970 – 1972 từ các giảng đường Đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều người trong đoàn quân “lính sinh viên” đó đã lập nên những chiến công hiểm hách, tiêu biểu là phần lớn các anh ngày đầu xung trận đã tham gia ngay vào cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị (từ 28/6 đến 16/9/1972).
Trải qua các cuộc chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 30/4/1975, hơn một nửa trong số đạo quân “lính sinh viên" đó đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường; nhưng nhiều người trở về sau cuộc kháng chiến cũng không còn lành lặn, trở thành thương, bệnh binh.
Sau chiến tranh, nhiều người đã quay trở lại giảng đường Đại học tiếp tục hoàn thành nốt con đường học hành còn dang dở; nhiều người đã ở lại chung tay xây dựng miền Nam, cùng cả nước tiến lên XHCN; nhiều người ra quân chuyển ngành sang các lĩnh vực khác… nhưng tất cả các anh đều phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường của anh bộ đội Cụ Hồ và nét tài hoa, trí tuệ của một đạo quân đặc biệt - những người “lính sinh viên”./.
Trí Dũng