Thông tin từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ngày 9/10 cho biết: Vào tối 15 - 16/10, Dàn nhạc và các nghệ sĩ khách mời sẽ lần đầu tiên công diễn 2 tác phẩm "Vier Letzte Lieder" hay còn được biết đến với tên gọi "Four last songs" (Bốn ca khúc cuối cùng) và giao hưởng thơ "Don Quixote" của nhà soạn nhạc Richard Strauss tại Phòng Hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
|
Nhà soạn nhạc Richard Strauss. (Nguồn: bbc.co.uk) |
Đây là chương trình hòa nhạc cuối cùng khép lại chùm chương trình hòa nhạc “Strauss Cycle” được Dàn nhạc trình diễn từ năm 2013 đến năm 2015.
Trong chương trình đặc biệt này, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới. Đó là ca sĩ opera giọng nữ cao Hà Phạm Thăng Long, nghệ sĩ viola nổi tiếng Nguyễn Nguyệt Thu. Nghệ sĩ quốc tế có sự tham gia của nghệ sĩ độc tấu đàn cello nổi tiếng đến từ Munich (Đức) là Maximilian Hornung. Bên cạnh đó là 2 nghệ sĩ khách mời đến từ Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Đó là nghệ sĩ Sekiyama Yukihiro - bè trưởng trumpet của Dàn nhạc Giao hưởng NHK Nhật Bản và cũng là nghệ sĩ kèn trumpet số 1 Nhật Bản; nghệ sĩ Lee Chia - Yeh là nghệ sĩ kèn Tuba- tenor của Dàn nhạc Philharmonic Kaosiung Đài Loan (Trung Quốc).
Chùm hòa nhạc “Strauss Cycle” được trình diễn suốt 2 năm qua là dự án âm nhạc lớn mà Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thực hiện. Các nghệ sỹ đã trình diễn 6 chương trình và 12 đêm diễn, công diễn đa số những tác phẩm nổi tiếng của Strauss. Trong chương trình cuối cùng này, công chúng yêu nhạc được thưởng thức 2 tác phẩm của nhà soạn nhạc nổi tiếng này.
Trong đó, tác phẩm "Don Quixote", op. 35 là tác phẩm thơ giao hưởng của Richard Strauss viết cho đàn cello, viola và dàn nhạc lớn. Tác phẩm được viết dựa trên tiểu thuyết Hiệp sĩ Don Quijote de la Mancha (Hiệp sĩ Don Quijote xứ Mancha) của nhà văn Miguel de Cervantes. Strauss đã soạn tác phẩm này tại Munich năm 1897. Tác phẩm được công diễn lần đầu tiên vào ngày 8/3/1898. Strauss đã sử dụng hình thức biến tấu trong tác phẩm thơ giao hưởng này, tổng cộng có 10 biến tấu mà trong đó bầy cừu, cối xay gió và những chú ngựa bay được miêu tả một cách thần kỳ bằng âm nhạc mà vẫn dạt dào chất thơ. Hai chủ đề chính nói về nhân vật Don Quijote và người hầu. Các chủ đề còn lại được sử dụng với kỹ thuật và trí tưởng tượng đến kinh ngạc...
Tác phẩm "Four last songs" (Bốn ca khúc cuối cùng) được Strauss viết trước khi ông qua đời một năm và được coi là tấm văn bia để đời của tác giả. Năm 1948, Strauss đã khá xuống sức nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác khi bắt gặp bài thơ “Im Abendrot” (Hoàng hôn) của nhà thơ Josef von Eichendorff. Ông đã chuyển lời thơ này thành ca khúc viết cho dàn nhạc và là ca khúc cuối trong chùm "Bốn ca khúc cuối cùng" của Strauss. Các ca khúc “Spring” (Mùa xuân), “September” (Tháng Chín) và “Going to sleep” (Nghỉ ngơi) cũng lần lượt ra đời trong vòng 5 tháng...
Richard Georg Strauss (1864 - 1949) là nhà soạn nhạc hàng đầu của Đức cuối thời kỳ lãng mạn, đầu thời kì hiện đại. Strauss cũng là nhạc trưởng trứ danh khắp nước Đức và nước Áo. Sau Richard Wagner, Gustav Mahler cùng với Strauss là hai đại diện đỉnh cao của nền âm nhạc Đức hậu thời kỳ lãng mạn. Richard Strauss viết ca khúc đầu tay khi mới 6 tuổi và viết ca khúc cuối cùng khi ông ở tuổi 84. Trong suốt quãng thời gian sống và làm việc, Richard Strauss đã tạo dựng sự nghiệp thành công với vai trò nhà soạn nhạc giao hưởng, viết ca khúc và opera, người hòa âm và là chỉ huy dàn nhạc...
Từ rất lâu nay, các chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam luôn diễn ra tại Nhà hát Lớn, nhưng đây không phải phòng hòa nhạc giao hưởng đúng nghĩa, bởi Nhà hát Lớn Hà Nội là nhà hát opera, chuyên dùng biểu diễn nhạc kịch. Hiện tại Phòng hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã có phòng hòa nhạc biểu diễn nghệ thuật giao hưởng đích thực với chất lượng âm thanh tốt./.