Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội: Trăn trở việc bảo tồn

Thứ tư, 07/10/2015 20:28

(ĐCSVN) - Trước thực trạng di sản văn hóa múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội đang ngày càng xa vắng và mất dần trong đời sống văn hóa cộng đồng, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã dành 15 năm phục dựng, bảo tồn và phát huy những điệu múa cổ của người Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Những kết quả bước đầu

Với tình yêu nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội suốt 15 năm qua đã thực hiện công trình Sưu tầm phục hồi múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tự nhận thấy “nếu không làm thì có lỗi với cha ông và cả thế hệ mai sau”.

Sau 15 năm nghiên cứu, sưu tầm, ghi hình, các nhà nghiên cứu đã ghi lại được trọn vẹn những điệu múa có “tuổi thọ” lâu đời tại Hà Nội, có thể kể đến là: “Con đĩ đánh bồng”, “Chạy cờ” trong hội xuân làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), “Lễ chữ” trong hội làng Chử Xá (huyện Gia Lâm), “Rắn lột” trong hội làng Trường Lâm (quận Long Biên), “Giảo long” trong hội làng Lệ Mật (quận Long Biên), “Bài Bông” trong hội làng Phú Nhiêu (huyện Thường Tín)... Đây là lần đầu tiên, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội ghi lại được một số lượng đáng kể các hình thức múa dân gian cổ truyền tại một số lễ hội tiêu biểu diễn ra trên địa bàn Hà Nội.

Điệu múa "Rắn lột" trong lễ hội
Linh Lang Đại Vương. (Ảnh: Thế Dương)


Bên cạnh đó, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giới thiệu, trao đổi và các hội thảo khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của những điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát và ghi tên thêm những điệu múa cổ của người Hà Nội vào danh mục như: múa hội “Dô” (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), múa “Rồng lửa” (hội Đống Đa, Khương Thượng), múa “Phượng” (hội chùa Thánh Chúa, Cầu Giấy), múa “Gậy” (hội Bô Đầu, Thường Tín, múa “Tứ linh” (hội Xuân Đỉnh, Tây Hồ)... Đồng thời tiến hành xây dựng đĩa hình giới thiệu 8 điệu múa cổ truyền đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội, có phụ đề tiếng Anh để giới thiệu, quảng bá với khán giả trong và ngoài nước.

Trăn trở việc bảo tồn

Dự án khôi phục các điệu múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội được bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2006. Bên cạnh việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu để tìm các điệu múa còn tồn tại, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội phải lặn lội về từng miền quê, tìm kiếm những nghệ nhân, diễn viên múa ở các làng để phục dựng lại.

Nhưng việc khôi phục các điệu múa cổ truyền là một quá trình khó khăn, bởi nó đã bị mai một rất nhiều. Những người am hiểu, những nghệ nhân thông thạo các điệu múa này còn rất ít và đều đã cao tuổi, vì vậy, việc truyền dạy, hướng dẫn múa đều rất khó khăn. Nếu không tìm và khôi phục thì một kho tàng văn hoá quý giá sẽ vĩnh viễn mất đi. Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội chia sẻ: Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nghệ nhân dân gian đã qua đời như cụ Nguyễn Thị Ga, cụ Lương Đình Nghi – hai người đã có công truyền dạy điệu múa Bài Bông có từ thế kỷ XII; cụ Bùi Văn Lục, múa "Trống Bồng" ở làng Triều Khúc; cụ Triệu Văn Đăng không chỉ giỏi múa "Rồng" mà còn là ông Tổ của múa "Côn"; cụ Hoàng Kỷ của Giáo phường ca trù Lỗ Khê (Đông Anh - Hà Nội) - người đã giúp Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội phục dựng điệu múa "Tiên - Giáng mừng", múa "Bỏ bộ", múa "Tứ linh" để bổ sung vào danh mục các vũ điệu tham gia Liên hoan múa cổ truyền Hà Nội lần thứ 3... “Bên cạnh đó, chúng ta còn lo cho các nghệ nhân của múa cổ truyền thống, bởi đa phần họ đều ở độ tuổi xưa nay hiếm” - Ông Nguyễn Văn Bích phân trần.

Mặt khác, xã hội phát triển đã làm cho quá trình đô thị hóa ngày càng tăng. Ít thấy các xóm làng còn lũy tre, bờ ao bên cây đa, cây gạo, giếng nước đầu làng, thay vào đó là những cánh đồng mẫu lớn, những đường bê tông, rồi điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, sân vận động... Chính điều đó đã khiến cho không gian diễn xướng của múa cổ truyền ít nhiều bị thay đổi...

Tìm lại vốn cổ đã khó, khôi phục và gìn giữ càng khó hơn. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để vốn văn hóa của mảnh đất Thăng Long phát huy hết giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội đương đại.

Ngày 6/10, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội 15 năm sưu tầm nghiên cứu và phục dựng”. Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cho biết, trong 15 năm qua, Hội đã sưu tập và ghi hình 13 hình thức múa trong 8 lễ hội, lễ thức và bộ sưu tập 59 hình thức múa trong lễ hội làng và các lễ thức dân tộc. Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định: Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội thực sự đã đi vào đời sống của con người, là giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội không chỉ là việc bảo tồn nghệ thuật múa dân gian mà nó còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong xã hội hiện đại.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực