(ĐCSVN) – Bộ phim điện ảnh “Người trở về” do Điện ảnh Quân đội sản xuất kể về cuộc đời của một nữ quân nhân trở về sau chiến tranh được kỳ vọng là một tác phẩm điện ảnh ghi dấu ấn đậm nét, sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Bộ phim “Người trở về”, do Đại úy Đặng Thái Huyền làm đạo diễn - một trong những nữ đạo diễn trẻ hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam đạt được những thành công nhất định và ghi dấu trong lòng khán giả với nhiều bộ phim đề tài hậu chiến như: “Đêm vùng biên”, “Để lại mùa xuân”, “Mười ba bến nước”, “Vũ khúc ánh trăng”…
“Người trở về” lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Đây không phải là lần đầu tiên đạo diễn Đặng Thái Huyền làm phim lấy ý tưởng từ truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trước đó, phim “Mười ba bến nước” lấy ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sương Nguyệt Minh do Đặng Thái Huyền làm đạo diễn đã được 6 giải Bông sen vàng trong LHP Quốc gia lần thứ 16. Nói về nhà văn Sương Nguyệt Minh, Đặng Thái Huyền cho rằng việc lấy ý tưởng từ tác phẩm của ông là một cái duyên. “Khi đọc tác phẩm của ông, tôi luôn nhanh chóng hình dung ra trong đầu những hình ảnh sơ khai của câu chuyện như thể nó đã có một bộ phim trong tưởng tượng của tôi” - nữ đạo diễn chia sẻ.
|
Đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay trong phim “Người trở về” (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp). |
Câu chuyện của “Người trở về” xoay quanh cuộc đời Mây - đại diện cho một thế hệ thanh niên đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất cho cách mạng. Tuổi trẻ của cô là những ngày tháng lăn lộn trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Mây là người duy nhất sống sót của tiểu đội quân y. Mây trở về làng khi gia đình đã nhận được tin báo tử của cô. Và ngày cô trở về quê cũng là ngày người yêu – San đi lấy vợ vì tưởng cô hy sinh. Ngay đêm tân hôn, biết tin Mây còn sống quay về, San đã tìm gặp Mây. Anh xin cô được bỏ vợ để cả hai làm lại từ đầu. Mây khóc, từ chối vì cho rằng: “Một người phụ nữ đau khổ và lỡ dở đã là quá đủ”. Vậy là từ đó, cuộc sống của đôi vợ chồng San – Thanh và Mây ở nhà bên, cách nhau có hàng rào tre, diễn ra hết sức trớ trêu và đau khổ. Trong khi đó, anh lính trinh sát Quang mà Mây gặp ở chiến trường tìm về tận quê cô. Dù cô trốn chạy và lảng tránh nhưng Quang quyết định ở lại bến sông Châu nguyện chăm sóc và bù đắp cho Mây suốt quãng đời còn lại.
“Người trở về” là bộ phim cũng khai thác tâm lý hậu chiến, thân phận phụ nữ như một số bộ phim về chiến tranh mà Đặng Thái Huyền làm trước đó. Tuy thế, nữ đạo diễn khẳng định hơi thở hiện đại, hình tượng nhân vật của “Người trở về” khác các phim trước. Mây không giống Sao trong “Mười ba bến nước”, mắt lúc nào cũng mọng nước, cũng khác xa nhân vật trong “Vũ khúc ánh trăng”, chờ đợi đến lúc người yêu đi lấy vợ chưa thôi. Mây là người luôn hy sinh và sống cho người khác nhưng tuyệt đối không phải là một người cam chịu, nhu nhược. Cô luôn đưa ra những quyết định quan trọng vào những thời điểm quan trọng trong sự tỉnh táo, sáng suốt và tự chủ ngay cả lời chia tay. Mây chính là mẫu nhân vật có sự khác biệt so với những nhân vật nữ trước đây cô đã làm.
|
Một cảnh trong phim “Người trở về” (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp). |
Là bộ phim làm về đề tài chiến tranh nhưng trong “Người trở về” bối cảnh chiến tranh chỉ làm nền, không có quá nhiều cảnh bom đạn, cháy nổ. Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền chọn cách khai thác đậm hơn phần tâm lý, đi sâu vào thân phận con người sau cuộc chiến. Bộ phim đưa đến thông điệp: chiến tranh không chỉ để lại những vết thương thể xác cho người lính, mà còn làm thay đổi số phận, gây ra những trái ngang đau khổ cho họ ngay cả khi họ trở về với thời bình khi chiến tranh đã kết thúc. Và những “người trở về” đó với sự kiên cường và lòng nhân ái họ đã vượt qua được nghịch cảnh để sống tốt, khẳng định phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ. “Quan trọng là khi xem phim, khán giả không chỉ xem những cảnh quay bom đạn hoành tráng mà còn cảm nhận về câu chuyện, số phận của nhân vật, cuộc sống của họ khi bước ra khỏi cuộc chiến là cái gì, họ đã phải hy sinh những gì?” đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ.
Mặc dù “Người trở về” không đi sâu vào những cảnh bom đạn nhưng những cảnh quay về chiến tranh thực sự là những cảnh quay có sự đầu tư và hoành tráng. Những cảnh chiến tranh trong phim được quay trong khoảng 3 tháng nhưng được chuẩn bị khoảng 1 năm trước đó từ việc: đào hầm, mua vật liệu, phục trang… Những cảnh chiến tranh của “Người trở về” được đoàn phim thực hiện trong điều kiện rừng núi khó khăn vất vả, thời tiết khắc nghiệt. Với mục tiêu đảm bảo an toàn và thực hiện cảnh quay chiến tranh một cách hiệu quả, chân thực nhất, nhà sản xuất của bộ phim cũng như toàn bộ ekip đã thành lập một ban cố vấn là những chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong quân đội thuộc Bộ tư lệnh Công binh, Cục Quân y và đơn vị cung cấp vật liệu nổ mìn trực tiếp đến tận trường quay khảo sát để cho ý kiến tư vấn cho đoàn phim.
Với sự đầu tư cả về nội dung và hình ảnh, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết: “Hiện tại, có thể nói đây là bộ phim lớn nhất và quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi”. Với “Người trở về”, nữ đạo diễn trẻ cũng kỳ vọng sẽ chinh phục người xem chính từ nội dung câu chuyện và số phận những nhân vật trong phim.