(ĐCSVN) – Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 được trao, bên cạnh hai gương mặt lão làng của văn học Việt Nam như nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Mã Giang Lân, một tên tuổi "mới trình làng” - Nguyễn Trí với tập truyện ngắn đầu tay "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" được nhận Giải thưởng văn xuôi đã khiến không ít người viết văn và độc giả ngạc nhiên.
Nói về tác giả Nguyễn Trí và tác phẩm “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: Tên tập sách “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” cũng chính là tên của cái thế giới ông đã sống trong đó. Bãi vàng, bãi đá quý, những cánh rừng, những núi non trong những cuộc tìm trầm là một môi trường sống có thể nói là vô cùng khắc nghiệt với cái xấu và sự độc ác mà con người rất dễ dàng gục ngã hoặc bị cuốn vào. Rất nhiều những con người sống trong môi trường đó là những kẻ giang hồ, những người từng có tiền án, tiền sự hoặc là gái làm tiền. Nguyễn Trí đã dựng lên thế giới khốc liệt đó để thử thách nhân tính đồng thời cũng để làm phát lộ một cách mãnh liệt nhất nhân tính. Và qua tác phẩm của ông, những số phận bị ném vào cái thế giới tàn nhẫn ấy đã luôn luôn mang trong mình khát vọng đến đau đớn được làm người tốt và đã làm những điều tốt khi có cơ hội… Trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt nhất và trong những biến cố đau buồn nhất cũng không làm ông mất đi khát vọng sống. Và chính những tác phẩm của ông là những bằng chứng cô đọng nhất về cuộc đời ông.
|
Tác giả Nguyễn Trí nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam |
Tác giả 58 tuổi, người Đồng Nai này tâm sự, trong đời thực của ông đã trải qua những bi kịch đau buồn, hoàn cảnh gia đình éo le và cuộc sống mưu sinh chính là động lực và cũng là sự trải nghiệm để ông viết nên những tác phẩm riêng của mình. Cách đây vài năm khi gia đình ông gặp nhiều biến cố, cô con gái út của ông trong một lần đi làm về đã gặp một tai nạn không đáng có và ra đi mãi mãi. Cũng trong giai đoạn ấy, một người con trai của ông vướng phải ma túy, vào trại rồi lại ra trại mấy lần. Rồi ông và người vợ phải thay con nuôi dưỡng hai đứa cháu nội khi mẹ nó bỏ đi lấy chồng.
Sau cái chết của con gái cùng những biến cố gia đình, Nguyễn Trí ngập trong men rượu. Cuộc đời ông tưởng như không còn chỗ bấu víu khi mọi điều bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống. Và bỗng dưng lúc ấy, ông nhận ra rằng cuộc đời mình không thể kết thúc như vậy, ông đã cầm bút viết ra những đau khổ, những day dứt của lòng mình. Ông viết rồi thử gửi cho báo, thật bất ngờ những câu chuyện ông gửi đi đã được in. Từ đó, ông liên tục viết, viết rất nhanh và thành quả đầu tiên là tập truyện ngắn "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" (NXB Trẻ ấn hành năm 2013).
Với một người, đến những năm gần 60 tuổi mới thực sự cầm bút viết tác phẩm đầu tay hẳn là điều không hề dễ dàng. Nhưng với Nguyễn Trí điều đó không quá khó khi viết về cuộc đời mình và logic nó lại. Bản thân tác giả Nguyễn Trí, trước đó đã là người ham đọc sách và đọc rất nhiều. Thú vui này thoạt đầu là cách để ông giết thời gian trong những ngày đi làm ở rừng. Hàng tuần, hàng tháng ông đều gửi xe ôtô từ rừng ra thị trấn trả những cuốn đã đọc để đổi về cuốn mới. Cứ thế, ông say sưa đọc hết các truyện ngắn, tiểu thuyết... của các bậc thầy thế giới. Ông đọc và nhớ tất cả chi tiết, tình tiết của từng câu chuyện, để những lúc rảnh rỗi ngồi kể lại cho anh em làm cùng. Đến khi những câu chuyện đọc đã kể hết, ông bắt đầu kể những câu chuyện mình nghĩ ra. Cứ như vậy văn chương đã chảy trong con người ông.
Chính từ những trải nghiệm của ông, mà người đọc khi đọc tác phẩm của Nguyễn Trí đôi lúc cảm giác ông không làm văn mà chỉ đơn giản là kể những câu chuyện ông chứng kiến một cách tự nhiên nhất. Chính thế, ngôn ngữ của ông thật giản dị, trực diện, nhiều lúc thô ráp nhưng đầy thuyết phục. Bên cạnh đó, lời thoại hấp dẫn là yếu tố đặc biệt tạo dựng thành công chân dung nhân vật của ông.
Tác giả Nguyễn Trí chia sẻ, “Bãi vàng, đá quý, trầm hương" là ông viết lại những điều cuộc đời mình đã trải qua, không hư cấu, không tô vẽ quá nhiều. Viết bằng chính những trải nghiệm trung thực nhất của cảm xúc trong lòng mình. Với ông, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho ông cũng là một điều may mắn. Giờ đây, khi được công luận gọi mình là nhà văn, ông vẫn không tin đó là sự thật vì bản thân ông cho rằng: mình chưa phải là nhà văn mà chỉ là người kể chuyện bằng chữ.