Nhà báo Minh Sơn: Hào hứng đi tiếp cùng những tấm gương mới

Thứ sáu, 16/09/2016 22:21
(ĐCSVN) - Trong 4 năm liên tiếp: 2011, 2012, 2014, 2016, nhà văn, nhà báo Minh Sơn đã viết 4 tập của bộ truyện ký "Những quãng đời". Tập thứ tư của bộ sách vừa đến với bạn đọc vào đầu mùa thu năm 2016, đáp ứng lòng mong đợi của bạn đọc ngay từ khi mọi người đọc đến trang cuối của tập 3.


Bìa truyện ký "Những quãng đời". Ảnh" Phạm Đình Ân

Nếu ở ba tập trước, nhân vật của Minh Sơn gồm nhân vật chính Bùi Văn Mộc cùng một tập thể nhân vật, thì đến tập 4 này, nổi bật lên hai nhân vật chính. Đó là nữ nhà báo Bích Hà - từng là y tá phục vụ trong một trạm quân y ở tiền phương. Khi còn bé, nhà báo Bích Hà là đội viên thiếu niên cứu quốc, sau đó là đội viên đội thiếu niên tiền phong. Đi học rồi tình nguyện đi thanh niên xung phong, chuyển sang bộ đội, làm y tá cho một trạm cứu thương tiền phương. Đó là Đào Đức Cường, bộ đội “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, người đã từng yêu Hà từ những ngày cả hai mới gặp nhau ở chiến trường. Tác giả đã dành rất nhiều tình cảm của mình để xây dựng hai nhân vật này. Tình yêu của họ dưới ngòi bút của Minh Sơn thật là tươi đẹp, thiêng liêng.

 Những trang viết về Bích Hà trong chiến tranh không nhiều, nhưng bù lại, tác giả lại giúp độc giả hiểu rất nhiều về một tấm gương của nhà báo nữ. Bà không phải là một nhà báo giỏi nhưng rất tận tụy với công việc, giàu tình yêu thương đối với đồng loại. Chương đầu và chương cuối của cuốn truyện ký đã nêu rõ phẩm chất cao quý của người phụ nữ đẹp người đẹp nết này.

Đào Đức Cường tiêu biểu cho vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Mỹ, cứu nước. Anh được tác giả dành cho nhiều trang hơn. Hình ảnh Cường phủ kín hầu hết các trang sách. 

Tính cách, số phận của Bích Hà phong phú hơn, trắc trở hơn, được tác giả viết với giọng điệu trữ tình. Tính cách, số phận của Cường có phần đơn giản hơn (tuy sau này anh là thương binh nặng).

Những dòng viết về Cường tỉnh táo, lý trí bao nhiêu thì những dòng viết về Bích Hà lại say mê, tràn đầy xúc cảm bấy nhiêu.

Chất truyện, chất tiểu thuyết thấy rõ ở những trang viết về tình yêu, thân phận… Độc giả dễ nhận ra chất ký, ghi chép ở những trang viết về các trận đánh. Những trận đánh (có phần hơi khô khan) được đưa vào giữa cuốn sách. Đầu sách và cuối sách giàu chất trữ tình vì đề cập tình yêu, số phận con người. Như vậy, mở đầu và kết thúc đều hấp dẫn.

Gấp lại cuốn Những quãng đời (tập IV) người viết bài này nhớ mãi một đoạn đối thoại giữa tác giả và nhân vật Bùi Văn Mộc (trang 86):  “Trong đời làm báo, viết văn của mình, động cơ thúc đẩy tư duy, việc làm không phải là danh hay lợi mà là “những quãng đời” mà tôi tiếp cận được thể hiện có tình người có tấm lòng vị tha, đầy lòng nhân ái. “Vậy thân phận của các nhân vật trong quá trình họ vượt lên chính mình để bươn trải với cuộc sống, họ có thỏa mãn cho chúng ta những tiêu chí trên không ?” - Tôi hỏi ông Bùi Văn Mộc sau khi đã kể “những quãng đời” của các nhân vật Bích Hà, Đức Cường và các bạn bè, đồng nghiệp của họ.

Ông Bùi Văn Mộc trầm lặng một lúc rồi nói chậm rãi: “Trong đời sống luôn có những điều tuy hợp với lòng ta, nhưng dòng chảy cuộc đời của nhân vật lại không phù hợp với suy nghĩ của ta hoặc thỏa mãn nhu cầu của những người khác, trái với suy tưởng của tôi, của ông. “Những quãng đời” tiếp theo của các nhân vật phần nào minh chứng cho những điều mà chúng ta quan tâm”.

Đọc thêm phần cuối sách rồi đọc lại đoạn này, sẽ thấy đây là những ý kiến sâu sắc, chắc chắn khiến độc giả càng tin yêu hơn tác giả Minh Sơn và những tấm gương mới trong tác phẩm này của ông.

Phạm Đình Ân
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực