Nhận thức đúng về giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Thứ ba, 20/12/2016 17:13
(ĐCSVN) - “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác phát huy giá trị di sản.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hiện phân bố ở nhiều nơi trong vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị thánh mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang tính bản địa sâu sắc. Dù trên thế giới có nhiều nơi thờ nữ thần, nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ không chỉ nhân hóa, nữ tính hóa tự nhiên, với việc thờ Mẹ Đất, Mẹ Rừng, Mẹ Nước... mà đã địa phương hóa, Việt Nam hóa thành những Thánh Mẫu có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Bên cạnh đó, trong tín ngưỡng Thờ Mẫu còn có những nhân vật lịch sử có công với nước được thần thánh hóa. Có thể thấy, đây là nơi lưu trữ ký ức lịch sử của dân tộc. Đồng thời, không chỉ là tín ngưỡng, đạo Mẫu còn mang nét đặc sắc văn hóa, được ví như bảo tàng sống về văn hóa Việt Nam, từ âm nhạc, vũ điệu, trang phục đến cách trang trí đền, phủ...


  Hát văn, Hầu đồng tại Đền Củi, Nghi Xuân- Hà Tĩnh - Ảnh: MP

Tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều điểm rất hay và tiến bộ. Đó là việc coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ, giúp con người hòa đồng với thiên nhiên. Quan trọng hơn, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, chủ nghĩa yêu nước của người Việt đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa khi hầu hết các vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ là những nhân vật có công với nước.

Thống kê sơ bộ cho biết, trên toàn quốc hiện có khoảng 7.000 đền, phủ liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Điều đó cũng đồng nghĩa, với việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được phân bổ rất rộng, trong đó mỗi địa phương lại có những sắc thái, đặc điểm riêng. Một câu hỏi được mọi người quan tâm: Sau khi được UNESCO vinh danh, làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo vệ và phát huy đúng giá trị trước những biến tướng, thương mại hóa các nghi thức?

Khác với những di sản phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh khi luôn đứng trước nỗi lo thiếu đất diễn, thiếu nghệ nhân, thiếu người kế cận, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lại đặt ra vấn đề về cách quản lý, thực hành di sản thế nào để hát văn, hầu đồng - những nghi lễ không thể thiếu trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - không bị thương mại hóa, sân khấu hóa hoặc bị lợi dụng để hành nghề “mê tín dị đoan”. Bên cạnh đó, để nghi lễ hầu đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu không bị biến tướng, quan trọng vẫn là ở khâu nhận thức cá nhân. Chính bởi vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục để mọi người hiểu và trân trọng di sản tín ngưỡng, từ đó có ứng xử phù hợp - đặc biệt là những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng trong việc ca ngợi những điều tốt và lên án những hành vi làm biến dạng, trục lợi, ứng dụng phát huy giá trị của nó trong đời sống nghệ thuật...  Những thanh đồng sẽ trao truyền cho nhau để thực hành cho đúng phép tắc và phản ánh đúng giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

Có thể thấy, muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đúng hướng, tất yếu cần có sự nhận diện đúng giá trị của di sản. Do đó, chúng ta cần có lực lượng quản lý, nghiên cứu có thể định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ đặc biệt này. Các cơ quan quản lý cần khuyến khích các nghệ nhân phát huy vai trò của mình, gương mẫu trong thực hành để vừa bảo vệ di sản, vừa thực hiện được nhu cầu tâm linh.

Các nhà nghiên cứu cũng cần tiếp tục hướng tới việc khôi phục những yếu tố lễ hội đã bị mai một theo thời gian của Tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như kiểm kê và tư liệu hóa hệ thống hát văn, âm nhạc, hình thức diễn xướng... để mang lại những kiến thức hoàn thiện hơn về các đặc trưng của Di sản thế giới này.  Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những nghiên cứu, đánh giá thường xuyên để có biện pháp kịp thời nhằm giữ gìn, phát huy Di sản hoặc điều chỉnh những biểu hiện tiêu cực.

Tóm lại, nhận thức đúng nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một việc làm thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, toàn cầu hóa. Sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giới nghệ sĩ… cũng là những yếu tố giúp cho Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt khẳng định vị trí trong đời sống tinh thần của người dân và trong văn hóa Việt Nam./.                                                             

 

 

Hồng Ngọc (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực