(ĐCSVN) - Nhằm khẳng định những giá trị nhiều mặt của bộ phận văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, một bộ phận hợp thành quan trọng nền văn học Việt Nam phong phú, giàu bản sắc, cuốn chuyên khảo “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam – Truyền thống và hiện đại” vừa phát hành đã thể hiện những nỗ lực bền bỉ, sự quan tâm sâu sát của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên đối với việc tăng cường nhiều xuất bản phẩm cho khu vực văn học dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục khẳng định sự đóng góp của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại với nền văn học nước nhà.
|
Chuyên khảo "Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - Truyền thống và hiện đại". (Ảnh: Bích Hồng) |
Đối tượng nghiên cứu trong cuốn chuyên khảo là các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số ở nhiều thế hệ, như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Y Phương, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Vi Thị Kim Bình, Y Điêng, Hoàng Quảng Uyên, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Nông Thị Ngọc Hòa, Hà Thị Cẩm Anh...
Chuyên khảo “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam – Truyền thống và hiện đại” dày 1000 trang, bìa cứng, kết cấu gồm 3 phần:
Phần I: Về văn xuôi các dân tộc thiểu số.
Phần 2:Về thơ các dân tộc thiểu số.
Phần 3: Về nghiên cứu lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại.
Sắp xếp theo một trình tự khá chặt chẽ, logic theo 3 thể loại văn học như trên, nội dung chuyên khảo đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể, như: Loại thể, tác giả (toàn bộ sự nghiệp sáng tác, hoặc một vài tác phẩm, tác giả với loại thể…), những vấn đề văn học dân tộc thiểu số đương đại, xu hướng nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số từ góc nhìn văn hóa…
Về thể loại, chuyên khảo tập trung đánh giá văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn) gồm 8 bài viết về 10 tác giả văn xuôi. Về thơ có 3 bài nghiên cứu chung, 4 bài viết cụ thể về chân dung, sáng tác của 5 nhà thơ. Phần lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại gồm có 3 bài, trong đó có 2 bài chung và một bài viết về Nông Quốc Chấn với tư cách nhà lý luận, phê bình.
Ngoài 4 bài viết có tính chất chung về diện mạo văn học dân tộc thiểu số: “Mạch nguồn cảm hứng và đặc trưng nghệ thuật trong thơ ca Thái thời kỳ hiện đại”, “Hình tượng người phụ nữ trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại” (khu vực phía Bắc), “Khái quát về diện mạo nghiên cứu lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại”, “Một số đặc điểm nổi bật của nghiên cứu lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại” là những bài viết cụ thể tập trung đánh giá sự nghiệp sáng tác của các nhà văn, nhà thơ là người dân tộc thiểu số (Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Y Phương, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Hoàng Hạc, Vi Thị Kim Bình, Y Điêng, Hoàng Quảng Uyên, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Nông Thị Ngọc Hòa, Hà Thị Cẩm Anh, Triệu Kim Văn…).
Tự thân cuốn chuyên khảo “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam – Truyền thống và hiện đại” đã phần nào nói lên sức hấp dẫn của khu vực văn học lấp lánh bởi sự phong phú, đa dạng; bởi vẻ đẹp đặc trưng, độc đáo, đặc sắc đậm chất núi rừng mà chủ thể sáng tạo ra nó là người sáng tác (nhà văn, nhà thơ người dân tộc thiểu số), là nhà nghiên cứu, lí luận phê bình (không chỉ riêng người dân tộc thiểu số) đã thực sự đam mê, tích cực và tâm huyết trong công tác nghiên cứu, đánh giá nhằm khẳng định những giá trị nhiều mặt của bộ phận văn học mang đậm bản sắc dân tộc sau hơn nửa thế kỷ vận động và phát triển.
Chuyên khảo “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam – Truyền thống và hiện đại” đến tay bạn đọc chính là sự tiếp nối hướng đến nghiên cứu văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số và góp phần tích cực vào việc lấp dần khoảng trống trong hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở nước ta hiện nay./.