Trên văn đàn Việt Nam, có lẽ hiếm tác giả có sức viết dẻo dai, bền bỉ như nhà văn Ma Văn Kháng. Sau gần ba mươi tác phẩm ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn…; hiện nay, ở tuổi ngoài 80, nhà văn Ma Văn Kháng cho ra mắt tiểu thuyết “Chim én liệng trời cao”.
“Chim én liệng trời cao” là khúc ca đẹp, hùng tráng về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của người dân vùng núi rừng Tây Bắc khoảng thời gian cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
Bìa tiểu thuyết “Chim én liệng trời cao”. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại địa bàn Cam Đồng, một xã gồm bốn thôn người Tày và một thôn U Sung trên núi cao thuần người Dao. Cuộc chiến đấu đầy gian khổ, sự trưởng thành của người dân về tư tưởng và tinh thần đấu tranh cách mạng thể hiện xuyên suốt qua nhân vật Tiển. Từ một cậu bé ở bản quê Cam Đồng hằng ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm “bầy chim én cất tiếng rộn vang trên bầu trời sớm mai”, thổi sáo trúc bài “Chim én liệng trời cao”, Tiển sớm gia nhập vào hàng ngũ những người làm cách mạng, trở thành chiến sĩ liên lạc và trưởng thành cùng sự phát triển của cách mạng trên mảnh đất quê hương.
“Chim én liệng trời cao” góp phần làm phong phú thêm dòng sách văn học chiến tranh cách mạng, giúp độc giả hiểu thêm về chặng đường gian khổ mà không kém phần oai hùng của những người lính bộ đội Cụ Hồ và nhân dân Tây Bắc trong giai đoạn gây dựng lực lượng, chống lại âm mưu bành trướng của thực dân xâm lược. Tác phẩm cũng ngợi ca những con người chân chất, mộc mạc nhưng can đảm, nhanh trí, hết lòng vì sự nghiệp chung. Đọc tác phẩm, độc giả còn được đắm mình trong vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ và những nét văn hóa đậm đà bản sắc của vùng núi rừng Tây Bắc.
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Đống Đa, Hà Nội. 18 tuổi, ông lên Tây Bắc dạy học, là hiệu trưởng một ngôi trường cấp ba tại Lào Cai. Bút danh Ma Văn Kháng khiến nhiều độc giả tưởng rằng đây là nhà văn miền núi, người dân tộc thiểu số, ít ai nghĩ ông là nhà văn Hà Nội gốc, sinh ra tại làng Kim Liên, một ngôi làng cổ của Hà Nội. Hơn 20 năm tuổi trẻ gắn bó với núi rừng Tây Bắc, dường như cuộc sống, văn hóa của người dân vùng đất này đã trở nên máu thịt trong ông.
Với hàng loạt tác phẩm có giá trị về cả đề tài miền núi lẫn cuộc sống thời đổi mới, nhà văn Ma Văn Kháng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả: “Vùng biên ải” (tiểu thuyết, 1983); “Mùa lá rụng trong vườn” (tiểu thuyết, 1985); “Côi cút giữa cảnh đời” (tiểu thuyết, 1989); “Đám cưới không có giấy giá thú” (tiểu thuyết, 1989); “Chó Bi, đời lưu lạc" (tiểu thuyết, 1992)…
Ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong sự nghiệp sáng tác: Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm: “Truyện ngắn chọn lọc”, “Mưa mùa hạ”, “Côi cút giữa cảnh đời”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”./.