Ngay sau đó, hàng loạt sân khấu XHH do các nghệ sĩ, đạo diễn đứng ra thành lập, gây dựng nên phong trào hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật kịch nói sôi nổi tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Tuy nhiên, theo thời gian, với sự lấn át ngày càng mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại được đầu tư quy mô, sân khấu XHH thiếu sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước - cơ quan quản lý văn hóa, các ông bà “bầu” dù có nhiều nỗ lực tự thân vận động nhưng vẫn đuối dần, thường xuyên phải bù lỗ; một số sân khấu buộc phải tắt đèn, đóng cửa dài hạn… đã khiến mô hình sân khấu XHH tại TPHCM đang từng bước rơi vào khủng hoảng.
Sân khấu phía Nam - tiền khủng hoảng
Sau thời hoàng kim, các sân khấu XHH lao vào con đường tự bươn chải, các ông bà “bầu” gồng gánh bao nỗi lo toan về địa điểm biểu diễn, kinh phí hoạt động, tác phẩm, diễn viên. Chi phí tổ chức dàn dựng, biểu diễn, thuế, thuê mặt bằng… cứ ngày một dội lên theo tình hình kinh tế thị trường nhưng nguồn thu từ việc bán từng chiếc vé xem kịch cứ dần giảm sút. Hầu hết các sân khấu XHH hiện nay đều ít nhiều có những suất phải trả vé, không thể sáng đèn. Nhiều ông bà “bầu” chia sẻ, chỉ cần khán giả đến 1/3 rạp thôi, ê kíp vẫn ráng lên đèn, dù biết chắc phải bù lỗ. Bởi chỉ có sáng đèn mới chứng minh được sân khấu còn “sống”, còn hoạt động, đó cũng là cách giữ chân khán giả.
Các vở diễn của Sân khấu IDECAF có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thành Lộc (phải) và NSƯT Hữu Châu luôn thu hút đông đảo khán giả
Ảnh: Bảo Lâm
Chuyện thưa vắng dần khán giả trước hết là vì địa điểm các sân khấu kịch đang thuê mướn hoạt động đã quá cũ kỹ, lạc hậu, nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh, kém sức hút công chúng. Hầu hết các điểm diễn chỉ là hội trường của các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi đã được xây dựng nhiều năm, cơ ngơi, thiết kế nội thất không thể đáp ứng được hết những đòi hỏi của công tác chuyên môn, sự thăng hoa trong dàn dựng các tác phẩm sân khấu. Cơ sở vật chất không được đầu tư quy mô đã đành, thực trạng đáng quan tâm nữa là việc hiếm hoi những tác phẩm hay, nỗi khổ kinh phí đầu tư vở diễn trong chừng mực, diễn viên tài năng của các sân khấu vì cuộc sống nên mải lo chạy show, xa dần sàn diễn, đã khiến phần lớn các vở kịch không thể được dàn dựng quy mô, hấp dẫn, chất lượng nghệ thuật cao. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ sân khấu góp mặt ở hầu hết các chương trình gameshow giải trí trên truyền hình, nên nhu cầu đến với các sân khấu kịch để được gặp nghệ sĩ của số đông khán giả cũng không còn.
Quan trọng trên hết là vấn đề kịch bản lâu nay cứ chạy theo thị hiếu khán giả. Thị trường kịch nói hiện đang bão hòa thể loại kịch kinh dị, ma mị, đồng tính và dần chuyển sang cách làm kịch âm nhạc. Thể loại kịch âm nhạc khoác trên mình bộ áo lành mạnh hơn, thơ văn hơn, nhưng cách thay đổi “khẩu vị” này vẫn chỉ là xu hướng tạm thời, chưa thể là giải pháp tốt nhất cho sân khấu kịch, giúp các sân khấu được thoát xác, có bước chuyển mình đột phá trên con đường phát triển.
Sân khấu phía Bắc - lơ mơ với xã hội hóa
Theo lộ trình XHH của sân khấu Hà Nội, đến năm 2020, tất cả các nhà hát công lập đều phải tự chủ hoạt động 100%. Tuy nhiên, ngay lúc này, việc XHH sân khấu ở Hà Nội vẫn rất mơ hồ.
Cả làng sân khấu phía Bắc chỉ có duy nhất Nhà hát Múa rối Thăng Long là có thể “sống khỏe” với hình thức XHH. Trong khi đó, Nhà hát Tuổi Trẻ - một trong những nhà hát được đánh giá là mạnh trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng khi bắt tay vào XHH cũng phải “cân nhắc”. Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận chia sẻ: “Một số chương trình nghệ thuật của nhà hát nếu không thu được hiệu quả như mong muốn đã bị cắt giảm. Hiện nay, kinh phí để trả lương cho nhân viên hợp đồng đều lấy từ nguồn thu của nhà hát. Điều này lý giải cho việc những đêm “đỏ đèn” của nhà hát không còn thường xuyên như trước”.
Một cảnh trong vở kịch Cõng mẹ đi chơi của sân khấu Thế Giới Trẻ
Riêng với Nhà hát Cải lương Việt Nam - đơn vị nghệ thuật truyền thống may mắn khi kêu gọi được nhà tài trợ đầu tư cho một số vở diễn nặng ký như: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế..., nhưng chung quy thì vẫn mang tính chất “ăn đong”, chưa thật bài bản, hệ thống, để có thể giúp nhà hát trụ vững trước áp lực của kinh tế thị trường. Phía Nhà hát kịch Việt Nam cũng đặt nhiều niềm tin vào việc sẽ làm được công việc XHH trong tương lai, nhưng đó cũng chỉ là sự kỳ vọng, vì những đêm “đỏ đèn” của nhà hát vẫn rất thưa thớt... khán giả.
Những “chiến binh” đơn độc
Gọi những ông bà “bầu” là các “chiến binh” cũng không phải nói quá. Khi trong tay không có bất cứ một điều kiện cần và đủ nào để làm nghệ thuật, nhưng các nghệ sĩ làm văn hóa ấy vẫn cứ kiên định những việc làm của mình: duy trì hoạt động của sân khấu, để sân khấu được sáng đèn mỗi tuần 1 - 2 tối bằng cách chạy vạy khắp nơi vay mượn nợ để có kinh phí dựng vở, bôn ba cầm cố tài sản để có chi phí làm sân khấu; lăn xả vào nhiều công việc kinh doanh khác để kiếm tiền nuôi quân; tự đào tạo diễn viên cho sân khấu để có lớp trẻ kế thừa; năng động xoay chuyển hoạt động tổ chức biểu diễn khi gặp tình thế bất lợi; cố gắng ra mắt nhiều vở mới, nhiều thể loại kịch nhằm giữ chân khán giả…
Lâu nay, sân khấu XHH TPHCM hoạt động rất tốt, có hiệu quả, góp phần không nhỏ làm sinh động, đa sắc lĩnh vực tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại thành phố. Tuy nhiên, vì đơn thân độc mã, luôn phải tự thân vận động, không có sự hỗ trợ nào thiết thực, phải sống giữa muôn vàn khó khăn bủa vây, nên các sân khấu XHH hôm nay cũng chỉ làm tốt được công việc phục vụ một số đối tượng khán giả nhất định, không thể xây dựng được những vở kịch có chất lượng nghệ thuật cao. Ngoại trừ duy nhất Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn ngày đêm gồng mình duy trì phong cách diễn kịch chính luận, kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Khi được hỏi về tâm tư trăn trở về hoạt động sân khấu XHH, NSND Hồng Vân chia sẻ: “Tôi không muốn nói đến đề tài này nữa vì đã nói nhiều lắm rồi, vì biết không ai làm hết. Có kêu gào cũng vậy, kêu nhiều lắm rồi, nhưng với kết luận “cái nào XHH làm tốt rồi thì cứ để cho họ làm, Nhà nước không đầu tư nữa…”, mà tôi từng nghe, vậy thì còn nói làm gì nữa. Hãy nhìn vào Nhà hát sân khấu nhỏ 5B - sân khấu từng một mình đối chọi với những sân khấu miền Bắc, làm vang danh thành phố, nhưng rồi theo thời gian cứ bỏ lăn bỏ lóc, không ai quan tâm làm sao để 5B hoạt động trở lại mà cảm thấy chạnh lòng”.
Thực tiễn cho thấy, công tác hỗ trợ, giúp đỡ các sân khấu XHH làm việc hiệu quả phải là việc cần làm ngay, nhằm “giữ lửa” những nghệ sĩ đã sống hết mình vì nghệ thuật trong suốt mấy chục năm qua. Trước sự khủng hoảng của các sân khấu XHH như thế mà cơ quan chủ quản, quản lý văn hóa cứ mãi lạnh lùng, dửng dưng thì chẳng mấy chốc, hoạt động sân khấu XHH sẽ đi vào ngõ cụt. Nhất thiết phải có kế hoạch, lộ trình hoạt động dành riêng cho các sân khấu XHH làm việc có hiệu quả, để những “chiến binh” trong lĩnh vực văn hóa không mãi độc hành trên quãng đường hoạt động và phát triển.