Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam cung cấp
“Chuyện nàng Kiều” được chuyển thể từ kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, do NSND Anh Tú đạo diễn.
“Chuyện nàng Kiều” là một sự thử nghiệm táo bạo của Nhà hát Kịch Việt Nam khi kết hợp những hình thức hát, múa và những động tác hình thể. Đặc biệt, hình ảnh hoa sen - quốc hoa của người Việt, được sử dụng với hàm ý như cuộc đời một con người: Lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời.
Với mong muốn đem đến cho khán giả một tác phẩm sân khấu chất lượng, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc “Chuyện nàng Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên được những giá trị to lớn của tác phẩm là phản ánh giá trị hiện thực, phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ…
Vở diễn cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…
Đạo diễn, NSND Anh Tú chia sẻ, quan điểm dàn dựng vở Kiều lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam là phải giữ đúng nguyên tác với bao nhiêu tang thương cho thân phận người thiếu nữ tài sắc như thế… “Tôi cũng rất thích ở truyện Kiều của Nguyễn Du là tính dự báo: Khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi thì nó làm đảo lộn rất nhiều thứ khác, trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp”, NSND Anh Tú nhấn mạnh.
“Chuyện nàng Kiều” có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam như: Diễm Hương vai Thúy Kiều, Khuất Quỳnh Hoa - Thúy Vân, Tô Dũng - Kim Trọng…/.