Tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam.
Nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, Trung Quốc có nền văn học lớn đã được giới thiệu sang Việt Nam từ nhiều chục năm qua. Trước đó, thơ Đường và tiểu thuyết chương hồi của nước bạn vào Việt Nam từ rất sớm. Đáng chú ý, văn học Trung Quốc thời mở cửa được dịch sang tiếng Việt khá nhanh và nhiều thể loại, bạn đọc trẻ Việt Nam cũng đón đọc văn trẻ Trung Quốc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận bức thư pháp
do Đoàn nhà văn Trung Quốc tặng (Ảnh: vanvn.net)
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị trong thời gian tới hai Hội Nhà văn Việt Nam - Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động dịch thuật văn học, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển văn học dịch ở Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, nhà lý luận phê bình Lý Kính Trạch cho biết, mỗi chuyến đi của đoàn nhà văn Trung Quốc tới Việt Nam đều là một chuyến đi ý nghĩa, góp phần nối dài mối quan hệ truyền thống về văn học giữa hai quốc gia. Ông rất vui mừng khi biết nhiều tác giả, tác phẩm của Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt, được yêu mến, đón nhận; đồng thời nhấn mạnh thông qua văn học, hai nước Trung Quốc và Việt Nam thêm gần gũi, góp phần thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa cũng như tăng cường mối quan hệ giữa hai Hội Nhà văn Trung Quốc và Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc hy vọng các chuyến thăm, các buổi giao lưu về văn học giữa hai Hội sẽ được tiếp tục tổ chức. Trong đó, hai bên có thể trao đổi nhiều hơn nữa những vấn đề về trách nhiệm với văn học mỗi quốc gia, khu vực, làm bật lên tiếng nói của văn học châu Á.
Tại buổi gặp mặt, hai bên cũng đã thông báo về tình hình văn học mỗi nước nói chung, hoạt động của Hội Nhà văn hai nước nói riêng; đồng thời trao đổi về phương pháp sáng tác, về phát triển đội ngũ hội viên, nhất là trong lĩnh vực lý luận phê bình. Các nhà văn hai nước cùng nhau trao đổi để tìm cách giới thiệu văn học Việt Nam sang Trung Quốc nhiều hơn, đặc biệt chú trọng giới thiệu văn học đương đại của Việt Nam./.