“Thơ và những vấn đề của thơ đương đại”

Thứ ba, 27/02/2018 21:31
(ĐCSVN) - Ngày 27/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề của thơ đương đại”. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện của “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI” diễn ra từ ngày 27/2 đến ngày 2/3.

Tại hội thảo, gần 30 tham luận văn bản và nhiều ý kiến trình bày đã tập trung trao đổi xung quanh 3 vấn đề lớn: Thực trạng thơ hôm nay đang “đi lên” hay “đi xuống”? Hoạt động lý luận-phê bình thơ, xét tặng giải thưởng thơ và kết nạp hội viên thơ thời gian qua có gì bất cập? Mối tương quan hoạt động giữa giữa 2 cực thơ “đại chúng” và “nâng cao” hiện nay như thế nào?

Toàn cảnh hội thảo

Các ý kiến nêu tại Hội thảo đều nhấn mạnh đến vị thế, vai trò của thơ tại một đất nước của thi ca, nhiều người làm thơ như Việt Nam. Từ đó cũng nên lên thực trạng của thơ hiện nay như: sự phát triển về bề rộng với sự gia tăng số lượng các nhà thơ, các tác phẩm thơ được sáng tác với nhiều hình thức thể hiện khác nhau nhưng chất lượng các tác phẩm thơ cũng như phê bình thơ vẫn dậm chân tại chỗ; Ranh giới giữa thơ hay và chưa hay còn nhạt nhòa; Thơ chưa phản ánh được tiếng nói, được hơi thở thời đại; Và nổi bật nhất là sự đối lập giữa một bên là số lượng thơ, nhà thơ không ngừng tăng và một bên là sự thụt lùi của số lượng những độc giả thơ; hay là nghịch lý giữa số lượng các giải thưởng thơ và sức thuyết phục của giải…

Phát biểu kết luận hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao nội dung các tham luận đã đề cập nhiều vấn đề và thống nhất trong nhiều nhận định về hiện thực thơ Việt Nam hiện nay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nêu lên một số vấn đề có tính cốt lõi của thơ Việt đương đại. Ông nhấn mạnh, thơ Việt Nam đương đại tồn tại đan xen ba đặc điểm: tập trung hóa, đa dạng hóa, kết tinh hóa. Ba đặc điểm này đồng hành, tương hỗ và “đấu tranh” với nhau để làm nên đời sống thơ ca phong phú nhiều cung bậc. Và nếu có chăng sự “lạm phát” thơ thì cũng không cần phải lo lắng nhiều, bởi tự thân của “phong trào” này sẽ thanh lọc và lắng đọng. Đây là biểu hiện rất nổi bật, cho thấy nền thơ đang chuyển động và đồng thời đang kết tinh những giá trị.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, tựu trung, thơ cần phải hay, cái hay mang giá trị, tầm vóc văn hóa sẽ ở lại lâu bền trong lòng người. Đó là con đường và cũng là điểm đến của thơ Việt đương đại.

Tin, ảnh: HN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực