Tìm phương án bảo tồn ca trù Hà Nội

Thứ sáu, 23/10/2015 18:54

(ĐCSVN) – Là địa phương sở hữu nhiều câu lạc bộ ca trù nhất trong cả nước, Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm phương án bảo tồn cho di sản văn hóa phi vật thể này.

Chưa có chiến lược bảo vệ ca trù

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô, trong đó, đáng chú ý là: câu lạc bộ ca trù Hà Nội (ở đình Kim Ngân); câu lạc bộ ca trù Thái Hà (27 Thụy Khuê); câu lạc bộ ca trù Thăng Long (87 Mã Mây); câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), Đông Trữ (Chương Mỹ), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Chanh Thôn (Phú Xuyên)…

Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương bước đầu đã có sự quan tâm chăm lo đến hoạt động bảo tồn ca trù. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng (Liên hoan ca trù lần 2); tổ chức hội thảo, tọa đàm về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội; bước đầu có hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ hoạt động. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, Sở đã nỗ lực tổ chức cho các câu lạc bộ tham gia, đoàn Hà Nội là đơn vị có số lượng câu lạc bộ hoạt động đông nhất và là đơn vị đạt nhiều giải nhất trong liên hoan. Hiện nay, Hà Nội đang có 3 điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là Bích Câu đạo quán, đền Quán Đế, Đình Kim Ngân, thu hút đông đảo người xem.

 

 Biểu diễn ca trù tại tọa đàm "Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội".
(Ảnh: HT)


Bên cạnh đó, năm 2015, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn nghệ nhân ca trù trong suốt quá trình chuẩn bị và tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội lập hồ sơ xét tặng nghệ nhân di sản phi vật thể nói chung và ca trù nói riêng. Đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được xét tặng nhất cả nước. Trong 39 nghệ nhân được Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp Nhà nước đã thông qua có 17 nghệ nhân ca trù. Tuy vậy, để bảo tồn và phát triển ca trù, cần phải nỗ lực, có biện pháp và hành động cụ thể hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh cho biết: Việc bảo tồn ca trù luôn đứng trước những khó khăn, thách thức, có những lúc tưởng chừng như không vượt qua được. Đặc biệt là lớp nghệ nhân truyền nghề hầu hết đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, lớp kế cận không nhiều. Mặt khác, học đàn đáy trong nghệ thuật ca trù không dễ, ít người theo nghề này vì vừa phải có năng khiếu, lại phải say nghề thì mới có thể học được. Bà Hạnh lấy dẫn chứng, ở câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, Đông Anh hiện nay chỉ có 3 người chơi đàn đáy và cũng chỉ có 1 em nhỏ học được. Do vậy, việc mở lớp nhạc công cho ca trù là điều cần thiết.

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Hiện chưa có chiến lược bảo vệ, do vậy để bảo tồn ca trù là cả chặng đường đầy khó khăn. Theo TS Lê Thị Minh Lý, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ đến năm 2020. Tỉnh Phú Thọ chỉ việc phát triển và bảo tồn theo đúng lộ trình đã vạch sẵn. Từ thực tế đó, ca trù cũng cần có một đề án như vậy để bảo tồn. Hà Nội sẽ là đơn vị nòng cốt để xây dựng đề án.

Mặt khác, các câu lạc bộ ca trù cho rằng, họ chưa được sự quan tâm sâu từ Nhà nước, chưa có một chính sách, chủ trương nào về việc sẽ chi bao nhiêu kinh phí cho việc phục hồi, phát triển ca trù. Các câu lạc bộ ca trù hiện nay đều hoạt động trên tinh thần yêu nghề, tự vận động kinh phí xã hội hóa.

Cần đãi ngộ thỏa đáng cho người nắm giữ di sản

Trong buổi tọa đàm “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 22/10, các câu lạc bộ ca trù của Hà Nội đều cho rằng, ngoài việc kiểm kê và tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng thì nhiều hoạt động khác chưa được thực hiện như: giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế; chính sách đãi ngộ nghệ nhân; xây dựng không gian di sản; xây dựng các chương trình văn hóa, giáo dục và truyền thông; hỗ trợ cộng đồng truyền dạy và đào tạo…

Bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Đối với ca trù, nên chọn cái gì để bảo tồn và cái gì để phát triển; đầu tư vào đâu cho đúng với yêu cầu là vừa bảo tồn, vừa phát triển là một bài toán khó. Nên chăng đầu tư nguồn lực về con người, đào tạo con người ngay tại mảnh đất đã sinh ra ca trù. Mặt khác, cần đưa ca trù vào các tuyến, các điểm du lịch tại chỗ để quảng bá với du khách thập phương và bạn bè quốc tế.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, việc giới thiệu di sản sẽ tạo cho ca trù có cơ hội đến gần hơn với công chúng, làm cho công chúng nhận thức được cái hay, cái đẹp của ca trù, từ đó thêm yêu và biết cách giữ gìn, bảo tồn vốn di sản quý của Thủ đô.

Bên cạnh đó, để bảo tồn ca trù, Hà Nội cũng cần có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân, các ca nương để họ tập trung giữ nghề. Ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ: Hiện nay, nhiều bạn trẻ sau khi học xong đã chuyển nghề khác, nguy cơ tương lai không có người tiếp nối truyền thống. Hơn nữa, các hoạt động của câu lạc bộ hầu hết đều tự bỏ kinh phí. Do đó, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần đưa nguồn kinh phí để bảo tồn di sản ca trù nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể nói chung. “Nếu có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, các nghệ nhân sẽ không phải lo toan gánh nặng cuộc sống mà toàn tâm toàn ý giữ gìn di sản” - ca nương Phạm Thị Huệ khẳng định.

Sau 6 năm ca trù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, công tác bảo tồn, phát triển ca trù đang ngày càng được quan tâm. Song, vẫn cần hơn nữa sự quan tâm, chính sách, kinh phí cho việc trao truyền và phát huy giá trị di sản. Trong đó, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân vẫn là niềm mong mỏi của những người tâm huyết với ca trù./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực